Một số ý kiến cho rằng bên mời thầu nên tổ chức đấu thầu lại hoặc mời nhà thầu đứng thứ hai trong bảng xếp hạng giá đánh giá vào đàm phán và ký hợp đồng, chứ không nên áp dụng chỉ định thầu. Ảnh: Tiên Giang |
Chỉ định hai nhà thầu “quen” thay thế
Do không cung cấp thuốc trúng thầu đúng thời hạn theo hợp đồng đã ký, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định chấm dứt phần hợp đồng chưa thực hiện của 3 nhà thầu trúng thầu là Công ty CP Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk (Bamephar), Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma).
Để tiếp tục thực hiện phần hợp đồng dở dang của các nhà thầu nêu trên, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã lựa chọn nhà thầu thay thế theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Theo đó, Công ty CP Dược phẩm Việt Hà được chỉ định là nhà thầu cung cấp thuốc Claforan. Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định tại Đắk Lắk cung cấp thuốc DBL Oxaliplatin Inj 100mg/1000mg và DBL Oxaliplatin Inj 50mg/500mg.
Trong đó, giá trị phần hợp đồng chưa thực hiện của Bamephar đối với thuốc Claforan là 1.178.980.549 đồng so với tổng giá trúng thầu là 3.858.481.798 đồng. Giá trị phần hợp đồng chưa thực hiện của Phytopharma đối với thuốc DBL Oxaliplatin Inj 100mg/1000mg mã số C1218 và DBL Oxaliplatin Inj 50mg/500mg mã số C1219 là 222.075.000 đồng.
Đặc biệt, như trong bài phản ánh trước đó của Báo Đấu thầu, Công ty CP Dược phẩm Việt Hà và Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định tại Đắk Lắk là hai nhà thầu khá quen thuộc và thường xuyên trúng thầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Mạo hiểm?
Theo chia sẻ của một chuyên gia về đấu thầu thuốc với phóng viên Báo Đấu thầu, trong trường hợp này, tốt nhất, bên mời thầu nên tổ chức đấu thầu lại hoặc mời nhà thầu đứng thứ hai trong bảng xếp hạng giá đánh giá – nhà thầu được đánh giá có đủ năng lực, kinh nghiệm vào đàm phán và ký hợp đồng, chứ không nên áp dụng chỉ định thầu.
Tuy nhiên, ông Lê Bá Nguyên – Trưởng phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk lý giải rằng, đây là những mặt hàng thuốc biệt dược nên trong quá trình lựa chọn nhà thầu, chỉ có một nhà thầu tham gia và được lựa chọn trúng thầu.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia phân tích, nếu sử dụng thuốc theo nhu cầu thường xuyên mà áp dụng chỉ định thầu rút gọn là rất rủi ro, mạo hiểm, và vô cùng phiền phức, vì cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ không dễ dàng chấp nhận thanh toán nếu không chứng minh được và có giải trình phù hợp. Bởi vì, chuyên gia này phân tích, Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu và Điều 79 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định rất chặt các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, như phải nằm trong hạn mức (dưới 1 tỷ đồng) và trong trường hợp thực sự cấp bách như dịch bệnh, thiên tai, địch họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh... Nếu trường hợp thuốc đó sử dụng trong vòng 1 - 2 tuần thì được, chứ sử dụng trong cả 1 tháng thì rất khó được chấp nhận.
Ngoài ra, theo chuyên gia, liệu các nhà thầu được chỉ định thay thế này có “dẫm lên vết xe đổ” của các nhà thầu trúng thầu trước đó hay không thì bên mời thầu cũng không thể chắc chắn được. Bởi chuyện “đứt hàng” giữa chừng là chuyện xảy ra như cơm bữa. Nhu cầu sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế hàng năm biến động rất lớn, có khi tăng, có khi giảm. Trong khi thực tế, khả năng cung cấp của nhiều nhà thầu chỉ đáp ứng được 10 - 15%. Nhiều trường hợp nhà thầu trúng thầu ký hợp đồng nguyên tắc rồi mới mua thuốc về, nhưng các cơ sở y tế lại không sử dụng hết. Khi đó, thuốc mà nhà thầu trúng thầu mua về hết hạn sử dụng thì nhà thầu đó chỉ còn nước ‘‘khóc dở, mếu dở”. Lịch sử đã có nhiều nhà thầu phải đổ đi tiền tỷ vì lý do như vậy. Cho nên, không ít trường hợp nhà thầu đã tính bài trúng thầu trước rồi mới lo nguồn hàng cung cấp sau và không may “đứt gánh giữa đường” thì phải chịu cảnh bị chấm dứt hợp đồng và bồi thường như trường hợp 3 nhà thầu nêu trên.