Thẻ ngân hàng… gặp hạn

(BĐT) - Nhiều vụ việc tiền trong thẻ ngân hàng “không cánh mà bay” xảy ra gần đây khiến khách hàng bức xúc...
Khi đến ATM rút tiền, để tránh rủi ro, khách hàng nên che chắn đề phòng kẻ gian dùng thiết bị hiện đại đọc được nội dung thông tin của thẻ. Ảnh: Đinh Tuấn
Khi đến ATM rút tiền, để tránh rủi ro, khách hàng nên che chắn đề phòng kẻ gian dùng thiết bị hiện đại đọc được nội dung thông tin của thẻ. Ảnh: Đinh Tuấn

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các dịch vụ tiện lợi khác như Internet Banking cũng được các ngân hàng triển khai. Nhưng với thời gian, các dịch vụ thẻ thanh toán, thẻ ghi nợ, các dịch vụ qua mạng Internet cho thấy nhiều rủi ro, mất mát khó lường.

Tiền trong tài khoản thẻ bốc hơi

Mới đây nhất là vụ việc tài khoản Vietcombank của một khách hàng đột nhiên bị trừ mất 500 triệu đồng dù khách hàng không hề giao dịch. Vietcombank lý giải rằng, khách hàng đã truy cập vào một website giả mạo, có giao diện tương tự như giao diện truy cập Internet Banking của Vietcombank và để lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản...

Ngay sau đó, lại có thêm thông tin về một số khách hàng khác, cũng của Vietcombank, mất tiền trong thẻ. Ví dụ như trường hợp một khách hàng ở TP.HCM, thẻ Vietcombank Master Card bị quẹt ở Nhật Bản hay trường hợp một khách hàng ở Đồng Nai thẻ Vietcombank Master Card bị trừ tiền ở Singapore trong khi đang lái xe, thẻ vẫn trong ví.

Thực tế, những vụ mất tiền do bị các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet để chiếm đoạt tài sản không hiếm. Các nhóm tội phạm này được gọi chung là tội phạm công nghệ cao. Hồi đầu năm, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án mà trong đó các bị cáo có nhiều thẻ tín dụng của hàng chục ngân hàng khác nhau trong nước như MB, Sacombank, Techcombank, ACB, Vietinbank, Seabank, HDBank... Đáng nói là 46 thẻ ngân hàng trong vụ án đều tồn tại trong hệ thống quản lý của các ngân hàng Việt Nam và có tên chủ thẻ tương ứng. Cơ quan điều tra xác định không phát hiện dấu hiệu thẻ giả.

Một cá nhân tên Nguyễn Thị K.N. bị làm giả thẻ trong vụ án trên đã khai rằng, khoảng tháng 6/2014, một nhân viên của Trung tâm hỗ trợ tài chính TP. Thái Nguyên đã liên hệ với chị và hướng dẫn chị làm thẻ ngân hàng để vay vốn mà không cần thế chấp tài sản. Chị N. đã đăng ký làm thẻ của các ngân hàng: Techcombank, MB, Maritime Bank. Nhân viên này hứa sẽ gửi thẻ qua bưu điện nhưng đến ngày hẹn chị N. không nhận được thẻ và cũng không biết thẻ do ai quản lý, sử dụng. Sau đó, thẻ mang tên chị N. đã bị các đối tượng sử dụng để rút tiền từ ngân hàng.

Rủi ro khi bị đánh cắp thông tin

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, cả thẻ thanh toán lẫn thẻ ghi nợ đều có nhiều rủi ro. Khi kẻ gian lấy cắp thông tin trên thẻ thì có thể sử dụng thẻ đó để rút tiền, mua sắm hoặc làm thẻ giả. Đặc biệt, tại các điểm đặt máy ATM, kẻ gian có thể gắn những trang thiết bị tối tân, rất nhỏ để quay được hình ảnh khách hàng sử dụng thẻ qua đó lấy cắp thông tin.

Dù vậy, nhìn chung, nếu ngân hàng thực hiện đúng các quy trình, quy định về phát hành thẻ thì kẻ gian rất khó qua mặt được ngân hàng. Khi khách hàng đến phòng giao dịch đăng ký làm thẻ, ngân hàng phải kiểm tra lý lịch khách hàng, tên, số chứng minh nhân dân, nhà ở, địa chỉ... và yêu cầu ký xác nhận trước mặt nhân viên ngân hàng.

“Hiện, các ngân hàng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ khách hàng cá nhân, trong đó có phát hành thẻ ATM, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng. Có tình trạng nhiều ngân hàng dễ dãi khi kiểm tra nhân thân, lý lịch khách hàng. Nhiều khi, ngân hàng chấp nhận phát hành thẻ qua mạng. Đây là điều các ngân hàng cần phải rút kinh nghiệm, phải kiểm tra mọi thông tin của khách hàng và khi có nghi ngờ phải dừng phát hành thẻ ngay” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Về phía khách hàng, phải cẩn thận, khi đến ATM rút tiền phải che chắn đề phòng kẻ gian dùng thiết bị hiện đại đọc được nội dung thông tin của thẻ, từ đó rút tiền của khách hàng.

Tin cùng chuyên mục