DNNVV có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm cho khoản vay. Ảnh: Nhã Chi |
Khối DNNVV có nhu cầu vay vốn vô cùng lớn. Quỹ Phát triển DNNVV có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này, thưa bà?
Quỹ Phát triển DNNVV có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Chúng tôi xác định đây là khoản vốn mồi ban đầu để cho Quỹ khởi động, thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN.
Tất nhiên, với khối lượng vốn như vậy thì không thể đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ DNNVV trên toàn quốc. Chính vì thế chúng tôi phải đề ra những tiêu chí ưu tiên hỗ trợ. Tức là, các DN đến trước và đáp ứng tốt nhất những điều kiện trong các tiêu chí của chúng tôi thì sẽ được hỗ trợ trước.
Điều đó không có nghĩa là các DN đến sau và chưa đáp ứng được hết các tiêu chí thì mất cơ hội vay vốn, mà chúng tôi sẽ xem xét hồ sơ vay vốn của các DN này trong các giai đoạn tiếp theo khi chúng tôi có lượng vốn dồi dào hơn, mở rộng hơn về quy mô hỗ trợ.
Theo Quyết định số 601/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Phát triển DNNVV được phép nhận những khoản viện trợ, tài trợ đóng góp, ủy thác của các cá nhân trong và ngoài nước để triển khai hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Như vậy, chúng tôi mong đợi, sau khi Quỹ phối hợp tốt với các ngân hàng ủy thác tạo ra được tiền lệ tốt trong hoạt động cho vay vốn, hỗ trợ các DNNVV thì chúng tôi có thể huy động được thêm nguồn lực bên ngoài ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, chúng tôi mong rằng, khi xây dựng được hệ thống đối tác như các ngân hàng nhận ủy thác từ Quỹ, bản thân ngân hàng cũng bố trí được nguồn tài chính để cùng tham gia vào chương trình của Quỹ. Khi đó, các ngân hàng ủy thác có thể chủ động thực hiện các chương trình riêng của họ để các DNNVV tiếp cận được các nguồn vốn thương mại theo hướng giảm tối đa điều kiện, rào cản.
DNNVV hiện đang rất khó khăn trong việc đáp ứng điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là quy định về tài sản bảo đảm, quy định về hồ sơ thủ tục. Các chương trình hỗ trợ của Quỹ phối hợp với các ngân hàng thương mại để cho vay từ năm 2016 sẽ có quy định rất mới, đó là điều kiện về tài sản bảo đảm nới lỏng hơn rất nhiều so với điều kiện hiện nay của các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, ngân hàng thương mại khi nhận ủy thác từ Quỹ thì không được phép yêu cầu các DNNVV cung cấp tài sản bảo đảm vượt quá 100% giá trị khoản vay. DNNVV có quyền lựa chọn tài sản để bảo đảm cho khoản vay, có thể dùng tài sản hình thành từ chính nguồn vốn vay để bảo đảm cho khoản vay.
Khi bị ngân hàng nhận ủy thác từ chối, DN vẫn có quyền nộp hồ sơ vay vốn trực tiếp tới Quỹ Phát triển DNNVV. Phải chăng cách thức nộp hồ sơ cho Quỹ và cho các ngân hàng ủy thác có sự khác biệt?
Các ngân hàng thương mại nhận ủy thác của Quỹ Phát triển DNNVV có thủ tục về thẩm định quy trình riêng nhưng phải tuân theo những quy định của Quỹ. Chúng tôi sẽ phối hợp với ngân hàng để thẩm định phương án sản xuất kinh doanh khả thi của DNNVV. Cụ thể, Quỹ sẽ thẩm định lại kết quả đánh giá, nghiệp vụ của ngân hàng ủy thác, chứ Quỹ không thẩm định lại phương án sản xuất kinh doanh của DN.
Mặc dù có 2 cách thức nộp hồ sơ vay vốn, nhưng quy trình thẩm định là như nhau. DNNVV nộp hồ sơ tại Quỹ hay ngân hàng thì vẫn là ngân hàng thẩm định phương án sản xuất kinh doanh khả thi và Quỹ kiểm tra kết quả thẩm định sản xuất kinh doanh của ngân hàng.
Tuy nhiên, khi DNNVV bị ngân hàng nhận ủy thác từ chối cho vay thì DN đó vẫn có quyền nộp hồ sơ vay vốn trực tiếp tới Quỹ Phát triển DNNVV để đề xuất vay vốn tại ngân hàng ủy thác khác.
Trên thực tế, mỗi ngân hàng có “khẩu vị” riêng. Có trường hợp khi DNNVV tiếp cận với ngân hàng này, phương án sản xuất kinh doanh đó có thể không được lựa chọn vì thứ tự ưu tiên cho vay vốn của ngân hàng đó cao. DN khi đó có quyền nộp hồ sơ trực tiếp đến Quỹ để được giới thiệu qua một ngân hàng nhận ủy thác khác hợp hơn. Làm như vậy để tạo điều kiện trợ giúp DNNVV trong tiếp cận nguồn vốn.
Xin cảm ơn bà.