Mobile money giúp người dân có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi với thiết bị di động được kết nối Internet. Ảnh: Lê Tiên |
Cần thiết và phù hợp
Tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình ngay Thủ tướng quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money). NHNN dự kiến sẽ trình Chính phủ Đề án về tiền di động trong tháng 4.
Theo định nghĩa tại Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt được NHNN lấy ý kiến từ cuối năm 2019, tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Ban soạn thảo Nghị định này cho rằng, mobile money thực sự cần thiết, giúp cho người dân có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi với thiết bị di động được kết nối Internet, đồng thời giúp thúc đẩy tài chính toàn diện.
Nêu quan điểm về việc thí điểm áp dụng tiền di động hiện nay, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho rằng đây là thời điểm rất phù hợp, thậm chí là khá muộn.
“Chúng ta đã có khoảng 45% dân số sử dụng điện thông minh, mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc, nhiều giao dịch mua bán trực tuyến đã được thực hiện nhưng phần lớn vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Do đó, việc triển khai tiền di động sẽ góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Thắng nói.
Đồng quan điểm, tại một nghiên cứu về tiền di động vừa công bố, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Đào tạo thuộc Ngân hàng BIDV cho rằng, xét từ cả người dùng và mức độ phát triển của thị trường là khá sẵn sàng cho việc triển khai tiền di động.
Hơn nữa, để gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42 vừa được Chính phủ ban hành được thực thi nhanh chóng, hiệu quả, tiết giảm chi phí, các chuyên gia của BIDV cho rằng, Chính phủ nên yêu cầu sử dụng kênh mobile money để chuyển tiền trực tiếp đến người thụ hưởng. Những trường hợp chưa áp dụng được ngay, cần chuyển tiền qua kênh tổ chức tín dụng (gồm cả Ngân hàng Chính sách xã hội) nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả, và cũng là để thúc đẩy thanh toán điện tử.
Ưu tiên bảo vệ người dùng
Từ khía cạnh bảo mật thông tin, ông Võ Đỗ Thắng cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là chú trọng năng lực bảo mật của hệ thống, đảm bảo tốt nhất an toàn cho người dùng khi triển khai phương thức thanh toán này.
“Giao dịch thanh toán nói chung và tiền di động nói riêng luôn thu hút sự chú ý tội phạm công nghệ tài chính, đặc biệt là ở những thị trường mới áp dụng các sản phẩm đó. Thế nên, việc áp dụng hệ thống tiền di động cần rất cẩn trọng. Chỉ cần 1 người dân bị mất tiền thì chắc chắn nhiều người sẽ ngại dùng. Do vậy, các đơn vị triển khai hệ thống này phải có hạ tầng đủ tốt và đáp ứng năng lực kiểm soát bảo mật. Mặt khác, bất cứ hình thức thanh toán nào cũng có tỷ lệ rủi ro nhất định nên cần tính đến quy chế bảo hiểm và giải pháp bồi thường thiệt hại cho người dùng khi phát sinh thiệt hại”, ông Võ Đỗ Thắng nhấn mạnh.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, việc áp dụng tiền di động sẽ phải vượt qua một số thách thức. Trước hết, cần phải thừa nhận đó là một phương tiện thanh toán thứ 9, bên cạnh 8 loại hiện hành là tiền mặt, séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và ví điện tử. Bên cạnh đó, cần xác định nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải là một tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán hoàn toàn mới hoặc ít nhất cũng là một đơn vị trung gian thanh toán đặc biệt. Mặt khác, cần phải xác định mức giá trị thanh toán hợp lý để bảo đảm sự an toàn cho cả người bán hàng, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và khách hàng.