Liên tiếp các nghị định đã và sắp được ban hành là những bước đi cụ thể đưa Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Ảnh: Lê Tiên |
“Món quà” ý nghĩa cho DNNVV
Đầu tháng 3 này, Chính phủ đã ký ban hành 2 nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV - đạo luật được kỳ vọng tạo bệ phóng mới cho DNNVV Việt Nam. Đó là Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đánh giá của giới kinh tế, đây là những bước đi rất cụ thể để đưa Luật vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, theo bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV, đây là lần đầu tiên khung pháp lý hỗ trợ cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được ban hành, đồng thời có những quy định hướng dẫn kịp thời những tiêu chí về DNNVV trong bối cảnh mới, mô hình hỗ trợ tài chính cho DNNVV cũng được xác định rõ khung pháp lý.
“Đây là cơ hội rất tốt cho cộng đồng DNNVV, nhất là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo”, bà Hồng nhìn nhận và cho biết, dự kiến trong thời gian tới, một nghị định nữa hướng dẫn triển khai Luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV cũng sẽ được Chính phủ ban hành.
Với những bước đi này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam kỳ vọng, những nội dung hỗ trợ được quy định tại Luật sẽ sớm đi vào cuộc sống và hỗ trợ thiết thực cho DNNVV. “Trong quý I, các dự báo cho thấy kinh tế nước ta đang trên đà tăng trưởng tốt, trong đó có đăng ký thành lập DN. Theo đó, việc Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV mới đây sẽ tạo điều kiện cho DNNVV có thêm động lực phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Nam tin tưởng.
Khơi thông dòng vốn
Để triển khai hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, nhất là tháo gỡ khó khăn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo trong việc tiếp cận tín dụng lâu nay, bà Hoàng Thị Hồng cho hay, hiện Quỹ Phát triển DNNVV đã chuẩn bị những nội dung liên quan đến hỗ trợ DNNVV và DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tại bản Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV. Đến thời điểm này, Dự thảo Nghị định đã được trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Theo Dự thảo Nghị định, hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV của Quỹ đa dạng hơn so với trước đây và cách thức thực hiện sẽ bảo đảm tiêu chí nhanh chóng, kịp thời đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nhóm DN khởi nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
“Đặc biệt, bước đầu, Quỹ có xây dựng bản demo phần mềm ứng dụng hỗ trợ DNNVV. Dự kiến, tháng 4/2018, chúng tôi sẽ chính thức công bố phần mềm này. Đây được xem là món quà đầu tiên Quỹ gửi đến cộng đồng startup thông tin về chương trình hỗ trợ của Quỹ và các cơ quan nhà nước có liên quan”, bà Hồng cho biết. Qua ứng dụng này, DNNVV có thể tự kiểm tra xem mình có thuộc đối tượng hỗ trợ của Luật Hỗ trợ DNNVV và Quỹ hay không, từ đó DN có thể gửi hồ sơ trực tuyến đề nghị hỗ trợ.
Bà Hồng cũng bày tỏ: “Chúng ta đang ở thời kỳ CMCN 4.0, bản thân các cơ quan nhà nước nếu không có những đổi mới để bắt nhịp xu hướng này thì cách thức quản lý sẽ lạc hậu. Điều này có thể đồng nghĩa với việc DNNVV sẽ bị mất đi cơ hội được hỗ trợ nhiều hơn từ phía cơ quan nhà nước và bắt kịp xu thế chung của thế giới”. Vì thế, trong giai đoạn tiếp theo, Quỹ dự kiến sẽ phát triển nhiều chương trình tương tác trực tiếp hơn tới DNNVV khởi nghiệp như: Tư vấn về các chương trình trực tiếp hoặc kết nối với mạng lưới các cơ quan khác, hoặc kết nối online với chuyên gia trong và ngoài nước. Ngoài DNNVV, DN khởi nghiệp thì một nhóm DN tham gia cụm liên kết ngành cũng sẽ được Quỹ đặt trọng tâm hỗ trợ thời gian tới.
“Khi khung pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quỹ được ban hành, hy vọng sẽ mở ra một chương mới trong thu hút nguồn lực, nhất là từ phía nước ngoài và khối DN tư nhân nhằm hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho DNNVV”, bà Hồng khẳng định.