Thương vụ đấu giá Sabeco được xem là bài học về tính minh bạch thông tin cũng như quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư. Ảnh: Hà Anh |
Để hiện thực hóa tham vọng này, theo nhiều chuyên gia, điều cần phải làm ngay là tăng tính minh bạch, công khai và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư.
Nhìn lại vụ việc Sabeco
Một sự kiện đáng chú ý diễn ra đầu năm 2018 là việc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải nộp 2.400 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối cho cổ đông Nhà nước giai đoạn 2016 trở về trước.
Đáng tiếc là vụ việc này chỉ được phát hiện và công bố sau khi thương vụ đấu giá, chuyển nhượng trị giá gần 5 tỷ USD cho nhà đầu tư Thaibev diễn ra. Câu hỏi đặt ra là vì sao các khâu kiểm tra, đánh giá toàn diện về tình hình tài chính của Sabeco trước thời điểm đấu giá đã không phát hiện được thiệt hại tiềm ẩn đó cho các nhà đầu tư hiện hữu - những người đã trót dành những đồng tiền tích lũy nhiều năm để nắm cổ phần của Sabeco? Và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm xác minh chất lượng thông tin, giá trị của doanh nghiệp trước khi rao bán?
Sự việc tại Sabeco dù sau đó có được “sửa chữa” nhưng danh tiếng của TTCK Việt đã ít nhiều bị ảnh hưởng khi niềm tin bị sụt giảm.
Sabeco vì thế có thể xem là bài học kinh điển cho các nhà đầu tư về trình độ phát triển thực chất của TTCK Việt Nam. Dù VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng tính minh bạch thông tin, cũng như quyền tiếp cận thông tin vẫn là điều gây nghi ngại lớn cho các nhà đầu tư, nhất là các định chế tài chính chuyên nghiệp.
Tăng chất lượng thông tin, minh bạch thị trường
Nhấn mạnh về sự minh bạch, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam cho biết, đây là một trong những điều kiện quan trọng để TTCK Việt Nam được nâng bậc từ cận biên thành mới nổi trong thời gian tới.
Theo đó, để tăng tính minh bạch, nên và rất cần phải thực hiện kiểm toán các thông tin phi tài chính trên bản cáo bạch và báo cáo thường niên. Theo quy định hiện nay, chỉ có báo cáo tài chính mới được kiểm toán. Tuy nhiên, đây là những thông tin tài chính đã trong quá khứ. Các thông tin trên bản cáo bạch hay báo cáo thường niên mang tính hiện tại, thậm chí tương lai sẽ tạo ra bức tranh tổng thể của một doanh nghiệp cho người sử dụng.
Ngoài ra, Chủ tịch Deloitte cho rằng, nên triển khai thí điểm và khuyến khích các công ty niêm yết, trước hết là doanh nghiệp trong rổ VN30, hoặc công ty có quy mô lớn đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS. “Hàng năm, kiểm toán và tư vấn chúng tôi thường phải có báo cáo riêng để phân tích sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, ảnh hưởng do sự khác biệt đến tổng giá trị tài sản hay đến kết quả kinh doanh của công ty”, bà Thanh chia sẻ thêm.
Cũng về vấn đề minh bạch, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán SSI nhấn mạnh: “Nhà đầu tư không sợ thua lỗ, họ sợ không công bằng và không minh bạch. Nếu thắng thì họ vui, còn không thì họ chấp nhận. Cái quan trọng là đừng để những người hiểu biết hơn, kiểm soát cuộc chơi hơn lấy được tiền của những người kém hiểu biết bằng những giải pháp không rõ ràng”.
Để tăng tính minh bạch của thị trường, Chủ tịch SSI kiến nghị Chính phủ xây dựng các rổ chỉ số linh động hơn, cho phép các định chế tài chính trung gian được tham gia xây dựng chỉ số. Hiện nay, quyền cung cấp các rổ chỉ số thuộc về sở giao dịch chứng khoán, nhưng liệu chỉ số này còn phù hợp với thị trường hay không? Ông Hưng dẫn chứng, các chỉ số lưu hành uy tín hiện nay trên thế giới đều thuộc về các tổ chức lớn như Morgan Stanley, Deustche Bank... Điều này sẽ giúp các chỉ số gắn với thị trường hơn, trong khi các sở giao dịch chỉ nên giữ vai trò xét duyệt. Ngoài ra, với những công ty được vào rổ chỉ số, đề nghị Ủy ban Chứng khoán đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn, buộc phải kiểm toán bởi Big4 (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới).
Rõ ràng, gia tăng tính minh bạch của TTCK Việt Nam sẽ là yếu tố quan trọng quyết định trong thu hút vốn trong và ngoài nước, góp phần vào sự thành công của quá trình hội nhập.