Xử lý nợ xấu là nhân tố quyết định đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên |
Chính sách tiền tệ đã được điều hành hợp lý
Chính sách tiền tệ năm 2016 đã được nới lỏng hơn. Thông thường, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tác động đến lạm phát, tuy nhiên, theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC, việc điều hành hợp lý giúp cho chính sách này hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, sản xuất nhưng gần như không tác động đến lạm phát năm nay.
Thống kê của NFSC cũng cho thấy, thị trường tài chính năm nay có nhiều chuyển biến. Tổng tài sản các định chế tài chính đạt trên 8,4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 188% GDP, tăng 13% so với cuối năm 2015. Tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế tương đương 175% GDP, tăng 20% so với cuối năm 2015, trong đó dư nợ cho vay từ tổ chức tín dụng chiếm 62,5%, cung ứng vốn từ thị trường chứng khoán 37,5%.
Cơ cấu tài sản nợ bền vững, với vốn huy động chiếm 76%. Cơ cấu tài sản cũng có chuyển dịch theo hướng bền vững.
Tín dụng năm 2016 tăng khoảng 18%, trong đó tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản tăng khoảng 12,5% (năm 2015 tăng 28,3%), chiếm 8,4% tổng tín dụng. Tín dụng tiêu dùng tăng khoảng 39%, chiếm 11,4% tổng tín dụng.
Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2016 đã tăng đáng kể, với lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro khoảng 120 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2015. Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC cho rằng, trong 5 năm qua, để xử lý nợ xấu, các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro tương đối nhiều, nợ xấu còn nhưng việc trích lập đó đã tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Nhìn tổng thể, 5 năm vừa qua nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong nỗ lực chung của Nhà nước để xử lý vấn đề nợ xấu đã tạo ra triển vọng tươi sáng cho mức sinh lời của hệ thống ngân hàng. Ông Phước nhận định, thời gian tới lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng.
Nợ xấu vẫn là bài toán khó
Thống kê của NFSC cho thấy, khối lượng nợ xấu vẫn còn lớn, bao gồm tỷ lệ nợ xấu báo cáo 2,8% và nợ xấu bán cho VAMC khoảng 4,4% tổng tín dụng. Xử lý nợ xấu năm 2016 ước khoảng 95 nghìn tỷ đồng, trong đó bán nợ cho VAMC chiếm 21%, xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6% và thu hồi nợ từ khách hàng và bán tài sản bảo đảm chiếm 52,4%. Ông Trương Văn Phước cho biết, xử lý nợ xấu khác với các năm trước, chủ yếu do tổ chức tín dụng tự xử lý.
Nhìn lại 5 năm qua, nợ xấu cũng là tác nhân chính kéo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thấp xuống, từ đó tác động đến khả năng giảm lãi suất cho vay, vì ngân hàng phải dành phần lớn lợi nhuận trích lập dự phòng rủi ro để giải quyết nợ xấu khi không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Riêng năm 2016, trong mức sinh lời 120 nghìn tỷ đồng, hệ thống đã dành 71 nghìn tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến về việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Trong đó, một số chuyên gia tài chính cho rằng đây là việc làm cần thiết, bởi nợ xấu của Việt Nam ở mức đáng báo động, gây “tắc nghẽn” dòng vốn chảy trong thị trường, nguyên nhân lớn làm lãi suất khó giảm. Tuy nhiên, mới đây Quốc hội đã quyết định không dùng ngân sách xử lý nợ xấu. Theo ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quyết định này của Quốc hội khiến vấn đề giải quyết nợ xấu sẽ tiếp tục là bài toán khó.