Giá thép ở nhiều nơi đã tăng tới 1,5 - 2 triệu đồng/tấn so với hồi đầu năm. Ảnh: Lê Tiên |
Giá thép tăng do nhu cầu phục hồi
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, giá thép đã bật tăng khá đột ngột với mức tăng ước tính tới 20% so với tháng 1/2016; thậm chí ở nhiều nơi giá thép tăng tới 1,5 - 2 triệu đồng/tấn so với hồi đầu năm khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp (DN) đang có công trình xây dựng dở dang phải chịu thiệt hại lớn.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), phân tích một cách kỹ lưỡng các nhân tố khiến giá thép tăng trong thời gian qua hoàn toàn không chỉ do tác động từ việc áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, mà quan trọng là còn do đây là thời điểm nhu cầu thép xây dựng trên thị trường thế giới đang bắt đầu hồi phục. Cùng với đó, tại thị trường trong nước, nhu cầu đối với phôi thép và thép xây dựng cũng đang tăng mạnh trở lại theo đà phục hồi của thị trường bất động sản và theo chu kỳ tăng của ngành xây dựng khi mùa khô đang đến gần.
Theo số liệu thống kê của VSA, trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng thép tiêu thụ các loại trên thị trường đã tăng gấp đôi, trong đó riêng các mặt hàng thép xây dựng tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm 2015. Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, trước khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, giá thép trong tháng 1 và tháng 2/2016 tại thị trường trong nước đã có dấu hiệu tăng trở lại. Đây cũng là thời điểm trùng với sự phục hồi của nhu cầu thép trên thị trường thế giới khi giá thép tăng. Yếu tố này kết hợp với việc Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp thuế tự vệ đã khiến giá thép trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa rồi.
Dự báo giá vẫn tăng, song ở mức hợp lý
Theo quan điểm của Bộ Công Thương, trên thực tế, nếu nói lý do chính là vì các DN tranh thủ nhập khẩu, đầu cơ tích trữ và găm hàng chờ tăng giá trong khoảng thời gian nửa tháng tính từ khi ban hành Quyết định áp thuế tự vệ cho tới khi Quyết định có hiệu lực là chưa thực sự thỏa đáng. “Khoảng thời gian ngắn này không đủ để hàng hoá có thể được bốc xếp tại cảng đi nước ngoài và kịp làm thủ tục thông quan tại cảng đến ở Việt Nam. Đây có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các DN tiêu thụ thép trên thị trường”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Cũng có cùng nhận định này, Tổng cục Thống kê vừa đưa ra dự báo giá nguyên vật liệu xây dựng, trong đó có thép có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới và đây cũng là một trong những tác nhân mà cơ quan này cảnh báo có thể ảnh hưởng làm gia tăng CPI trong những tháng tới.
Trước dự báo này, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, trong đó có thép, bởi khi giá tăng trở lại sẽ gây áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát.
Các chuyên gia cho rằng, với quyền số không quá lớn, giá thép tăng sẽ không có tác động quá trực tiếp tới CPI, song tác động đáng lo ngại nhất là ảnh hưởng tới dự toán và tiến độ các công trình xây dựng và các dự án của DN bất động sản, từ đó tác động gián tiếp tới thị trường và người tiêu dùng. Do đó, rất cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ổn định giá cả thị trường thép, qua đó ổn định các thị trường liên quan như xây dựng và bất động sản.