Thiết bị y tế trong nước cần “tiếp sức”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với thuốc và thầy thuốc, thiết bị y tế (TBYT) là một trong ba trụ cột của công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, phần lớn bệnh viện đang phụ thuộc vào TBYT nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước có ít cơ hội trúng thầu trong mua sắm công. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi xây dựng Luật TBYT, cần bổ sung nhiều chính sách để tạo cơ hội và khuyến khích hàng hóa nội địa phát triển, từ đó bảo đảm an ninh y tế.
Thiết bị y tế trong nước khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi tham gia đấu thầu tại các cơ sở y tế. Ảnh: Lê Tiên
Thiết bị y tế trong nước khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi tham gia đấu thầu tại các cơ sở y tế. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có thị trường TBYT tiềm năng trong khu vực và thế giới với dự đoán đến năm 2028, thị trường này sẽ đạt giá trị 2,862 tỷ USD.

Theo Hiệp hội TBYT Việt Nam, hiện cả nước có trên 1.000 đơn vị sản xuất TBYT. Các mặt hàng TBYT sản xuất trong nước chủ yếu thuộc phân loại A, B, sản phẩm công nghệ cao theo phân loại C, D rất khiêm tốn, chưa cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất TBYT vẫn gặp nhiều khó khăn do những bất cập về chính sách.

Cụ thể, thuế nguyên vật liệu cho sản xuất TBYT áp mức 10 - 12%, trong khi thuế nhập khẩu TBYT là 5%. Quy định về thử nghiệm lâm sàng với 3 giai đoạn làm hạn chế các sản phẩm mới và sáng tạo trong lĩnh vực TBYT. Hệ thống phòng thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, đánh giá sự phù hợp TBYT chưa được quan tâm đầu tư thích đáng…

Liên quan đến thị trường đầu ra, đa số cơ sở y tế yêu cầu hàng hóa phải có chứng chỉ CE (châu Âu), FDA (Hoa Kỳ)…, nên khi tham gia đấu thầu, TBYT sản xuất trong nước thường bị loại ngay từ… vòng đầu. Mặt khác, do thiếu các QCVN và TCVN về TBYT, nên mỗi cơ sở y tế lại có một cách hiểu và áp dụng quy định khác nhau khi xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu, khiến DN trong nước gặp nhiều khó khăn khi dự thầu.

Để khuyến khích DN nội địa đầu tư sản xuất TBYT, bà Cao Thị Vân Điểm, Tổng giám đốc Công ty CP Nhà máy Thiết bị Y học và Vật liệu sinh học (MEDEP JSC) cho rằng, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện Đề án Phát triển ngành sản xuất TBYT và có những chính sách đồng bộ, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với sản xuất trong nước.

Trong đó, cần xem xét ưu tiên cấp phép nhanh cho sản phẩm TBYT sản xuất trong nước ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời bổ sung thêm giai đoạn “đánh giá lâm sàng” để xác định sản phẩm đó có cần phải tiến hành thử nghiệm hay không và thử nghiệm bao nhiêu giai đoạn, tránh mất thời gian và tốn kém chi phí. Đẩy nhanh công tác đầu tư hạ tầng và thiết bị đo kiểm phục vụ công tác kiểm chuẩn TBYT và đánh giá sự phù hợp với các loại TBYT theo kịp nhu cầu phát triển thực tế của DN.

Trong bối cảnh Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật TBYT, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp này, đặc biệt là ưu đãi đầu tư đối với nghiên cứu, sản xuất TBYT ứng dụng công nghệ cao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong sản xuất TBYT tại Việt Nam.

Để tạo thuận lợi cho TBYT sản xuất trong nước tham gia mua sắm công, đại diện Hiệp hội TBYT Việt Nam đề xuất, Bộ Y tế sớm ban hành thông tư hướng dẫn riêng cho việc đấu thầu TBYT; Danh mục sản xuất toàn bộ trên dây chuyền sản xuất tại Việt Nam đáp ứng quy định của Việt Nam; Danh mục TBYT có chuyển giao công nghệ sản xuất được cấp hoặc gia hạn giấy đăng ký lưu hành. Bộ Công Thương cần nhanh chóng ban hành quy định về cách xác định hàng hóa Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam làm cơ sở tính ưu đãi trong đấu thầu và xuất khẩu. Đối với mặt hàng TBYT cấy ghép, Bộ Tài chính cần xem xét lại chính sách miễn thuế, các mức thuế nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất TBYT.

Theo đại diện Công ty CP Nhà máy TBYT USM Healthcare, để các cơ sở y tế có căn cứ khi tổ chức đấu thầu và lựa chọn sản phẩm phù hợp, Bộ Y tế cần nhanh chóng xây dựng tiêu chí nhóm nước sản xuất và tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh tiêu chuẩn CE và FDA để đấu thầu mua sắm TBYT đòi hỏi kỹ thuật cao, cần ban hành hệ thống các QCVN và TCVN để tạo thuận lợi cho việc mua sắm TBYT sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Indonesia về thứ tự ưu tiên trong mua sắm công. Đơn cử sản phẩm có hàm lượng nội địa hóa tối thiểu 40% là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động mua sắm công. Ưu tiên thứ hai là TBYT có hàm lượng nội địa hóa tối thiểu 25% (và mua sắm tối thiểu giá trị tương đương 1,6 tỷ đồng). Thứ ba là sản phẩm không đủ 25% hàm lượng nội địa hóa. Cuối cùng mới đến sản phẩm nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục