Thiếu cát xây dựng tại Nam Trung Bộ: Nhà thầu trông chờ, chính quyền rốt ráo khơi nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các dự án hạ tầng giao thông lớn tại các tỉnh Nam Trung Bộ đang ở giai đoạn cao điểm khó khăn về nguồn cung cát xây dựng. Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn này, chính quyền các địa phương đang rốt ráo thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc khẩn trương đấu giá các mỏ cát, rút ngắn thời gian cấp phép khai thác...
Các mỏ cát trúng đấu giá tại Quảng Nam dự kiến được đưa vào khai thác, cung ứng phục vụ công trình từ tháng 6/2023. Ảnh: Minh Hạnh
Các mỏ cát trúng đấu giá tại Quảng Nam dự kiến được đưa vào khai thác, cung ứng phục vụ công trình từ tháng 6/2023. Ảnh: Minh Hạnh

Sở Xây dựng, các địa phương và nhà thầu đang thi công các công trình hạ tầng giao thông tại Quảng Ngãi như cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; cầu Trà Khúc 3 và đường dẫn huyện Sơn Tịnh… đều “than” thiếu trầm trọng cát xây dựng. “Nhu cầu của các công trình, dự án và xây dựng nhà ở thời điểm này đều rất cao, trong khi nguồn cung cát khan hiếm, không đáp ứng đủ nên giá bị đẩy lên rất cao, gây khó cho nhà thầu lẫn người dân”, Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết.

Trong khi đó, các nhà thầu cho biết đã “chạy” nhiều kênh mua cát nhưng vẫn chưa có nguồn cung, tất cả đang trông chờ vào các mỏ cát được tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu giá thành công đầu tháng 2 vừa qua.

Giải tỏa những lo lắng này, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung cho biết, 12 mỏ cát được Quảng Ngãi đấu giá thành công, trữ lượng khoảng 4 triệu m3, đang hoàn tất thủ tục khai thác. Trong đó, riêng mỏ cát Công ty Bình Minh Miền Trung trúng đấu giá có trữ lượng dự báo khoảng 3,4 triệu m3, nhiều khả năng sẽ được cung ứng ra thị trường đầu tháng 6/2023.

“Theo quy định, thời gian tổ chức thăm dò là 90 ngày, 180 ngày phê duyệt trữ lượng, việc cấp phép khai thác mỏ cũng cần 90 ngày. Sở đang nỗ lực rút ngắn còn không quá 30% quỹ thời gian cần có để tham mưu UBND Tỉnh cấp phép khai thác”. “Trong khi chờ các mỏ trúng đấu giá được đưa vào khai thác, 2 tháng tới, thị trường sẽ được bổ sung thêm khoảng 200.000 m3 cát (từ việc nâng công suất, gia hạn các mỏ sắp hết hạn khai thác), cộng với các mỏ đang vận hành với tổng trữ lượng khoảng 230.000 m3 nữa là cơ bản giải quyết được tình trạng khan hiếm cát xây dựng hiện nay”, ông Trung thông tin.

Tại Quảng Nam, sau gần 2 tháng triển khai các giải pháp, Tỉnh đã tái vận hành các mỏ cát xây dựng “đình công” trước đó, lập lại trật tự giá, cơ bản “giải được cơn khát” cát xây dựng. Ông Lê Đỗ Tuấn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, địa phương sở hữu số lượng lớn mỏ cát của Quảng Nam, cho rằng, thị trường cát đã bình ổn, không còn khan hiếm và giá đã hạ. Sản lượng khai thác tại các mỏ được kiểm soát chặt chẽ, đúng công suất thiết kế cho phép. Các chủ mỏ, doanh nghiệp đã cam kết niêm yết, công khai giá bán tại mỏ 150 nghìn đồng/m3...

Bên cạnh các mỏ đang khai thác, theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, hiện có khoảng 24 doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục xin cấp, gia hạn giấy phép. Các địa phương quản lý các mỏ khai thác khoáng sản (41 mỏ) đang được UBND Tỉnh chỉ đạo khẩn trương đấu giá để đưa vào khai thác trong thời gian tới.

Trong số các địa phương Nam miền Trung, tỉnh Bình Định đang đồng loạt triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn nên cần số lượng cát “khủng”, nhưng do gặp bất lợi về nguồn cung nên tiến độ triển khai rất chậm. Theo ghi nhận, 3 tháng sau khi khởi công xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua Bình Định, dù nhà thầu đã tập trung thiết bị, nhân lực nhưng chưa thể thi công đồng bộ do chưa có nguồn cung vật liệu nền và cát xây dựng.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, lãnh đạo Tỉnh đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải ưu tiên cao nhất việc cung ứng vật liệu cho các dự án cao tốc. “Tỉnh đã giao Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và địa phương liên quan đề xuất việc cấp trực tiếp mỏ vật liệu cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án, hoặc làm việc với nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết cung ứng vật liệu theo giá công bố, niêm yết; xử lý nghiêm vi phạm; xem xét, đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Hoàng cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục