Thiếu cơ sở dữ liệu, khó ấn định giá chuyển nhượng bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có văn bản gửi Tổng cục Thuế về tăng cường các giải pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, từ cuối năm 2021 đến nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nhiều lần chỉ đạo Tổng cục Thuế, các Cục Thuế địa phương thực hiện các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong thời gian qua có phản ánh ở một số nơi có một số cán bộ thuế gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương tham mưu giải pháp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.

Tổng cục Thuế cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện có hiệu quả các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Thuế tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của công chức. Hằng quý có báo cáo đánh giá kết quả công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; kết quả thanh tra các hồ sơ người nộp thuế khai bổ sung nhưng không thay đổi giá chuyển nhượng.

Tổng cục Thuế cho biết, số thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, năm 2020 tăng gần 1,8 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 12% so với năm 2019; năm 2021 tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 tăng 3,2 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021.

Trong giai đoạn 1/1/2021 đến 15/1/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh chống thất thu với 233.983 tổ chức, cá nhân có hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, qua đó tăng thu hơn 500 tỷ đồng; và chỉ tính riêng giai đoạn 1/1/2022 đến 31/3/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh với 60.289 hồ sơ, số thu tăng hơn 326 tỷ đồng.

Cụ thể, tại TP. Hà Nội, năm 2021 tăng 550 tỷ đồng so với năm 2020, tỷ lệ tăng 24% trong khi lượng hồ sơ tăng 11,7%; tại TP.HCM, năm 2021 tăng 20% với năm 2020, 3 tháng đầu năm 2022 tăng 57,11% so với cùng kỳ 2021. Cá biệt, qua đấu tranh tại một số địa phương, các tổ chức cá nhân đã kê khai giá chuyển nhượng bất động sản tăng từ 2 - 5 lần so với giá kê khai ban đầu.

Theo Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Viên Viết Hùng, khó nhất hiện nay là Luật Đất đai quy định Bảng giá đất ổn định 5 năm, trong khi thực tế giá thị trường bất động sản lại biến động liên tục, vì vậy dẫn đến việc giá quy định không sát với giá thị trường. Hiện nay cũng chưa có cơ quan nào xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường bất động sản.

Ông Hùng cho rằng, việc thiếu cơ sở dữ liệu và căn cứ pháp lý về giá giao dịch thông thường trên thị trường nên việc đấu tranh, ấn định thuế đối với giá chuyển nhượng bất động sản gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cơ quan thuế. Đó là chưa kể theo quy định hiện nay, thời gian xử lý hồ sơ tại cơ quan thuế là không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Ông Hùng cho biết, tại Hà Nội, thời gian xử lý hồ sơ tại cơ quan thuế chỉ có 3 ngày, thời gian này chỉ đủ cho công chức thuế xử lý hồ sơ, không đủ thời gian để kiểm tra tính chính xác, trung thực của giá chuyển nhượng bất động sản theo kê khai. Với lượng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản trong thời gian qua rất lớn thì cơ quan thuế không đủ thời gian và nguồn lực để thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như một số ngân hàng thương mại lấy lý do bảo mật thông tin khách hàng, không phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin giao dịch của người nộp thuế.

Tin cùng chuyên mục