Minh bạch thông tin về lưu lượng xe là điều mà không phải nhà đầu tư nào cũng mong muốn. Ảnh: Cao Dung |
Nội dung thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông và khả năng liên thông với các dịch vụ thanh toán khác thu hút sự chú ý và thảo luận của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Thông tin từ ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, đến nay Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang quản lý 86 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, trong đó có 74 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và 12 trạm thu phí trên các tuyến cao tốc. Ngoài ra, các địa phương cũng đang quản lý 15 trạm thu phí.
Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng để dự kiến ban hành trong tháng 11 này.
Thu phí tự động không dừng - những lợi thế
Như bất kỳ sản phẩm công nghệ nào, việc thu phí điện tử không dừng có nhiều lợi thế so với hình thức thu phí thủ công cũ như tiết kiệm chi phí in vé hàng năm, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu, tinh giản biên chế bộ máy trong công tác đăng kiểm xe, quản lý xe, thống kê kiểm đếm lưu lượng xe và phạt nguội…
Ông Yamamoto Kenichi, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, khi được triển khai tại Nhật Bản, hệ thống thu phí tự động không dừng cũng giúp các cơ quan quản lý nhanh chóng phát hiện các phương tiện giao thông không chấp hành quy định về tải trọng và đưa ra giải pháp cân xe, ngăn chặn kịp thời… Xe cộ không phải dừng, xếp hàng thu phí cũng giúp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông. Ngoài ra, thẻ ETC nhằm phục vụ việc thu phí tự động không dừng còn được tích hợp các chức năng khác như mua sắm, sử dụng các dịch vụ công khác… được người dân vô cùng hài lòng.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT cho rằng, với vai trò là một người dân, về mặt lưu thông, ông kỳ vọng một hệ thống giao thông không có rào chắn, đi tự do, các phương tiện giao thông công cộng đầy đủ và an toàn. Khi giao thông là một dịch vụ công cộng, người dân phải trả phí, hình thức thanh toán phí cần phải tiện lợi, an toàn và bảo mật.
Tại sao vẫn chưa phổ biến?
Với những lý do nói trên, việc thu phí tự động không dừng lẽ ra phải sớm được áp dụng phổ biến. Vậy tại sao cho đến nay nhà đầu tư Việt Nam mới chỉ triển khai thực hiện lắp đặt và vận hành hệ thống ETC tại 5 trạm và hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí ETC tại 3 trạm trên cả nước?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, có 3 vấn đề lớn nhất đối với việc triển khai thu phí không dừng hiện nay. Thứ nhất là có 2 công nghệ thu phí không dừng đang được triển khai, gây khó khăn cho người sử dụng và các đơn vị thu phí. Thứ hai, chủ đầu tư các dự án BOT chưa thực sự muốn áp dụng cách thức thu phí này. Thứ ba, hệ thống thu phí tự động không dừng còn được sử dụng ở các tuyến đường địa phương, cần thời gian cho sự phối hợp giữa Bộ GTVT và các địa phương bảo đảm thống nhất, tránh lãng phí trong đầu tư…
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, thói quen sử dụng xe không chính chủ của người Việt cũng gây cản trở đáng kể cho việc thu phí tự động.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện một doanh nghiệp thu phí không dừng cho rằng, việc e ngại công nghệ thu phí tự động không dừng xuất phát từ đặc điểm hệ thống này quản lý “quá minh bạch”!
Còn nhớ, vào tháng 9/2011, trong một khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu về trạm thu phí Tào Xuyên (Quốc lộ 1A thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa), một số nghi vấn gian lận đã được đặt ra. Theo lưu lượng xe mà phóng viên quan sát trong 4 ngày đêm trong giai đoạn thấp điểm, mỗi ngày trạm này có thể thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng. Tính trên thời gian hoàn vốn đầu tư là 20 năm (tổng mức đầu tư 822 tỷ đồng), thì nhà đầu tư đã có thể lãi cả nghìn tỷ đồng. Sau phản ánh này, chủ đầu tư đã phải chuyển Trạm thu phí sang một vị trí khác phù hợp hơn, giảm chi phí cho người dân nói chung. Rõ ràng, nếu thông tin lưu lượng xe được minh bạch ngay từ đầu, dự toán của chủ đầu tư sẽ chính xác hơn, gánh nặng phí đặt lên vai người dân cũng sẽ nhẹ đi đáng kể.
Trước tình hình đó, nhằm minh bạch, tối ưu hóa việc thu phí, VEPF 2016 đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ công cộng đô thị, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các bên thống nhất cơ chế chia sẻ doanh thu thu phí theo hướng hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư BOT, chủ đầu tư dự án thu phí tự động không dừng BOO và chủ phương tiện tham gia giao thông.