Thúc đẩy các động lực cho tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn yếu, khả năng tăng trưởng tín dụng dành cho sản xuất kinh doanh hạn hẹp, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần thực hiện song song với kiểm soát dòng vốn từ ngân hàng vào các lĩnh vực nhạy cảm. Bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cần thúc đẩy các động lực khác như xuất khẩu ròng, chi tiêu công và tiêu dùng dân cư.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, cần đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân, xuất khẩu, bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Lê Tiên
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, cần đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân, xuất khẩu, bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Lê Tiên

Diễn biến trên thị trường tiền tệ cho thấy, tăng trưởng tín dụng thường đạt mức thấp trong tháng đầu năm, cá biệt, tính từ năm 2015 đến nay, có 3 năm tăng trưởng tín dụng âm trong tháng đầu năm. Cụ thể, tháng 1/2015, tăng trưởng tín dụng giảm 0,5%; tháng 1/2016 giảm 0,21% và tháng 1/2024 giảm 0,6%. Dù giảm trong tháng 1, nhưng tín dụng cả năm 2015 đạt mức tăng 17,29%; tín dụng cả năm 2016 đạt mức tăng 18,25%. Năm 2024, tăng trưởng tín dụng tháng 1 giảm 0,6%, với chỉ tiêu định hướng cả năm ở mức 15%.

Chia sẻ về hiện trạng tín dụng giảm 0,6% trong tháng 1/2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, việc tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng đầu năm là bình thường theo quy luật, do nhu cầu vốn thường giảm trong dịp Tết Nguyên đán (thường vào tháng 1 của năm Dương lịch). Bên cạnh đó, năm nay, nhu cầu tín dụng giảm do nhu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý…

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo chỉ đạo của Chính phủ. Chẳng hạn, gói 15.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ đối với ngành lâm sản, thủy sản thời gian qua đã phát huy hiệu quả, giải ngân 100%. Do đó, NHNN khuyến khích các ngân hàng nâng quy mô gói này lên gấp đôi, ở mức 30.000 tỷ đồng và sớm triển khai để hỗ trợ vốn đến các doanh nghiệp (DN). Lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm dòng chảy tín dụng an toàn, hiệu quả.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Minh Cường, nguyên chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, ngoài nguyên nhân có tính quy luật mùa vụ tháng 1, năm nay, tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp còn có những nguyên nhân khác. Trở lại năm 2023, tăng trưởng tín dụng tăng vọt từ mức 9,15% tính đến cuối tháng 11/2023 lên 13,71% vào tháng 12/2023, tương ứng có hơn 578.300 tỉ đồng được bơm vào nền kinh tế chỉ riêng trong tháng 12/2023. Sau đó, tín dụng giảm trong tháng 1/2024.

“Diễn biến trên cho thấy, để yên tâm với sức khỏe của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, cần đặt hoài nghi và xem xét cụ thể vốn tín dụng tăng vọt đó chảy vào lĩnh vực nào. Theo tôi, vấn đề của năm 2024 không phải là tín dụng tăng bao nhiêu phần trăm, mà là tín dụng sẽ chảy vào đâu và hiệu qua ra sao”, ông Cường nói.

Cũng theo chuyên gia này, trong hoàn cảnh nào thì việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng không nên phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ, nhất là khi chính sách tiền tệ đã hết dư địa. Nếu tiếp tục thúc tăng trưởng tín dụng nhiều hơn thì có thể để lại hệ lụy sau này. Thay vào đó, để giải bài toán tăng trưởng GDP, cần tiếp tục đẩy các động lực khác như đầu tư công, đầu tư tư nhân, xuất khẩu... Ông Cường cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần kiểm soát liều lượng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế nhận định, tín dụng tăng chậm trong 1 - 2 tháng đầu năm là dễ hiểu do vào các tháng 11 và 12 hàng năm, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân tăng cao, dẫn đến tín dụng tăng mạnh. Sang tháng 1 của năm sau, nhu cầu tín dụng giảm vì hầu hết những người cần vay đã thực hiện giao dịch. Bên cạnh yếu tố khách quan từ bên vay, về chủ quan, thời điểm cuối năm, các ngân hàng thường cố gắng đẩy tăng trưởng tín dụng đến hết hạn mức được cấp. Vì tăng tín dụng liên quan trực tiếp đến thị phần và tăng trưởng lợi nhuận cho năm sau nên các ngân hàng phải tận dụng tối đa “room” cho phép của năm trước. Đây là tâm lý chung của các ngân hàng, vì lợi ích của các ngân hàng.

Để dòng chảy vốn tín dụng lành mạnh và góp sức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Linh cũng cho rằng, cần tập trung cải thiện sức cầu của nền kinh tế, từ các động lực về xuất khẩu, chi tiêu công và tiêu dùng. Thực tế, nền nước ta liên thông với quốc tế rất lớn, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ hiện đã tương đương GDP hàng năm. Việc thúc đẩy xuất khẩu sẽ không chỉ tác động đến tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp mang lại ngoại tệ, giảm nhập siêu và ổn định đồng nội tệ.

Về chi tiêu Chính phủ, trong nhiều năm qua, chi Ngân sách Nhà nước liên tục không đạt kế hoạch, tức là chúng ta có dư địa tài chính để chi mà không chi hết được. Theo ý kiến chuyên gia, đây là một nghịch lý trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm và nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn. Do đầu tư hạ tầng có tính dẫn dắt và lan tỏa, nên việc giải ngân đầu tư công đúng tiến độ, hiệu quả sẽ vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thúc đẩy sức cầu ở các địa phương được nhận đầu tư, từ đó gia tăng sức cầu chung của cả nền kinh tế.

Riêng về cầu tiêu dùng, ông Linh nhấn mạnh, đây là vấn đề có tính 2 mặt. Đúng là có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế từ thúc đẩy cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Chúng ta vẫn phải nhập khẩu hầu hết tư liệu sản xuất và rất nhiều hàng hóa tiêu dùng, do đó, nếu kích cầu không khéo sẽ thành kích cầu tiêu dùng cho hàng nhập khẩu.

“Chính sách cần cân bằng giữa kích cầu và kích cung. Cần nhất là hỗ trợ các DN tăng tính cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, từ đó sản xuất và xuất khẩu được nhiều hơn, hoặc cạnh tranh được trên chính thị trường trong nước”, ông Linh nhấn mạnh.

Liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ông Linh cho rằng, cân lưu ý bài học giai đoạn 2007 - 2008, khi tín dụng bơm mạnh ra nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp không đủ sức hấp thụ, từ đó tạo ra siêu lạm phát trong nhiều năm. Trong những năm 2018, 2019, tăng trưởng GDP đạt trên 7%, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức 13 - 14% và các cân đối vĩ mô như lạm phát, tỷ giá đều ổn định. Để tăng trưởng GDP đạt mục tiêu năm 2024 cũng như các năm tới, dòng vốn tín dụng cần cân đối với sức hấp thụ của nền kinh tế, đặc biệt cần thúc đẩy mạnh hơn các nhân tố quan trọng khác tạo nên tăng trưởng.

Tin cùng chuyên mục