Thúc đẩy eKYC, cần đồng bộ về pháp lý và cơ sở dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) được coi là bước khởi đầu quan trọng để các ngân hàng phát triển mô hình ngân hàng số. Tuy nhiên, quá trình này cần được đẩy mạnh từ cả việc đồng bộ hóa pháp lý và cơ sở dữ liệu.
Một số ngân hàng thương mại đã áp dụng eKYC vào mở tài khoản cho khách hàng. Ảnh: Lê Tiên
Một số ngân hàng thương mại đã áp dụng eKYC vào mở tài khoản cho khách hàng. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc thực hiện eKYC trong thiết lập mối quan hệ lần đầu với khách hàng được coi là “cửa ngõ” để phát triển mô hình ngân hàng số.

Để tạo hành lang pháp lý cho hình thức giao dịch này, tháng 12/2020, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN (Thông tư 16) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN (Thông tư 23) hướng dẫn mở tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trong đó, bổ sung quy định, hướng dẫn về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Thông tư 16 sẽ có hiệu lực từ ngày 5/3/2021.

“Quy định về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử tại Thông tư 16 được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền, phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng trên thế giới và ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các tổ chức tín dụng trong quá trình chuyển đổi số, tăng khả năng tiếp cận khách hàng mới thuận tiện hơn với chi phí thấp hơn, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia”, ông Nguyễn Kim Anh cho biết.

Còn theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), Thông tư 16 có nhiều điểm mới quy định về số dư trên tài khoản thanh toán, hồ sơ mở tài khoản thanh toán cũng như các quy định về thủ tục mở tài khoản thanh toán… trên nguyên tắc chung về quản lý rủi ro, hạn mức giao dịch và đối tượng khách hàng. Quy định tại Thông tư 16 tạo thuận lợi cho công tác triển khai mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử với việc quản lý theo mục tiêu kiểm soát rủi ro.

Cũng theo ông Dũng, để thực hiện eKYC, các ngân hàng phải đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu, đặc biệt là giải pháp công nghệ kiểm tra đối chiếu về thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học, có quy trình quản lý kiểm soát, đánh giá rủi ro... Trong quá trình triển khai, các ngân hàng phải tăng cường nhân sự và các biện pháp rà soát, kiểm tra, đối chiếu, đánh giá giải pháp công nghệ eKYC, bảo đảm chất lượng đường truyền...

“Các ngân hàng cần tăng cường nhân sự và các biện pháp rà soát, kiểm tra, đối chiếu nhằm bảo đảm khách hàng được định danh điện tử tuân thủ các quy định về sử dụng tài khoản thanh toán và bảo đảm khách hàng thực hiện giao dịch là chủ tài khoản thanh toán. Trong trường hợp phát hiện quy trình không bảo đảm an toàn, bảo mật hoặc có sự cố trong quá trình mở tài khoản thanh toán, cần kịp thời từ chối, dừng quy trình mở tài khoản đang thực hiện và hướng dẫn khách hàng thực hiện trực tiếp tại quầy. Đồng thời, tạm ngừng cung cấp dịch vụ mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử cho đến khi khắc phục được sự cố. Ngoài ra, các ngân hàng cần gửi báo cáo về việc triển khai e-KYC tới NHNN”, ông Dũng cho biết.

Ủng hộ việc NHNN ban hành Thông tư 16, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho các ngân hàng, song vẫn cần thúc đẩy tính đồng bộ về pháp lý.

“Điểm đáng chú ý là tính pháp lý trong việc cho phép chia sẻ dữ liệu công nhận lẫn nhau, đây là vấn đề không dễ dàng. Chẳng hạn, làm sao để các ngân hàng công nhận kết quả thẩm định, xác thực lẫn nhau. Bên cạnh đó, để triển khai eKYC thuận tiện, cần cho phép ngân hàng truy cập vào cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Do đó, cần thúc đẩy tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh quốc gia. Việc này có thể tham khảo từ kinh nghiệm của các nước khác, như thuê công ty tư nhân làm định danh cá nhân toàn quốc theo hình thức hợp tác công - tư. Tức là, Chính phủ cho chủ trương, cơ chế, tư nhân bỏ tiền làm”, ông Lực nói.

Tin cùng chuyên mục