Năm 2022, giá trị huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ước đạt 116.684 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê |
Nếu các kế hoạch của doanh nghiệp được thực hiện trong 6 tháng cuối năm sẽ góp phần giảm tình trạng căng thẳng trong thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo nên kết quả cụ thể về số vốn huy động được qua thị trường chứng khoán (TTCK), giúp TTCK thể hiện rõ hơn vai trò là kênh huy động vốn chủ động trong nền kinh tế sau gần 23 năm mở cửa hoạt động.
Tính đến ngày 12/7/2023, chỉ số chứng khoán VN-Index tăng trên 11% so với mốc 1.009 điểm đầu năm 2023, đạt 1.161 điểm. Tuy nhiên, chức năng huy động vốn của TTCK những tháng đầu năm khá mờ nhạt khi chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp huy động được vốn bằng phát hành cổ phiếu (chủ yếu cho cổ đông hiện hữu) trong tổng số trên 1.500 doanh nghiệp đại chúng đang có cổ phiếu giao dịch trên TTCK Việt Nam.
Số liệu thống kê cho thấy, đứng đầu về số lượng chào bán cổ phiếu ra công chúng là Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 (C4G, sàn UPCoM), với 112.359.101 cổ phiếu được chào bán thành công. Xếp thứ hai là Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGB, sàn UPCoM) với 120.000.000 cổ phiếu được phát hành. Tiếp đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB, sàn UPCoM) hoàn tất chào bán 79.527.136 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; Tổng công ty CP Tái bảo hiểm PVI (PRE, sàn HNX) bán 31.600.000 cổ phiếu; Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB, sàn HNX) bán 20.040.304 cổ phiếu (chiếm 16,43% tổng số cổ phiếu đăng ký chào bán); Công ty CP Xây dựng số 12 đã phân phối 5.818.000 cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm… Một số doanh nghiệp khác chỉ bán được lượng rất nhỏ. Cá biệt, trong bức tranh huy động vốn qua TTCK 6 tháng đầu năm có Công ty TNHH Tứ Hải Hà Nam bán được 1.803.000 cổ phiếu (chiếm 60,1% số lượng cổ phiếu đăng ký chào bán) cho 108 nhà đầu tư.
Trước đó, năm 2021, giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 731.349 tỷ đồng, nhưng chỉ có gần 95.698 tỷ đồng được huy động thông qua phát hành cổ phiếu. Năm 2022, giá trị huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ước đạt 116.684 tỷ đồng.
Ngày 12/7/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Tại Hội nghị, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK cho biết, mặc dù trải qua nhiều biến động mạnh, nhưng 6 tháng đầu năm 2023, TTCK hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn. Cũng theo ông Sơn, trên cơ sở kết quả giám sát, thanh, kiểm tra, 6 tháng năm 2023, UBCK đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó xử phạt 2 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng. Cùng với đó, UBCK đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian. Tính đến hết quý I/2023, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đạt 230.134 tỷ đồng, tăng 27,4%; tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%. Đối với các công ty quản lý quỹ, tổng giá trị tài sản quản lý (AUM, tính đến hết tháng 5/2023) ước tính khoảng 600 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với thời điểm cuối năm 2022.
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sắp vận hành
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cho biết, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại HNX đã sẵn sàng vận hành. Hệ thống sẽ góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch tài sản tài chính này, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động vay vốn từ các nhà đầu tư.
Theo kế hoạch, hệ thống sẽ được vận hành vào ngày 19/7/2023, nhân dấu mốc tròn 23 năm Việt Nam khai mở TTCK.
Báo cáo của UBCK không nêu số vốn doanh nghiệp đại chúng huy động được qua TTCK trong 6 tháng đầu năm 2023, trong khi đây là một trong những chỉ tiêu trọng yếu đánh giá tính hiệu quả của TTCK. Trong các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của TTCK, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, UBCK sẽ tập trung cho mục tiêu nâng hạng thị trường và đây là nhiệm vụ cần sự đồng thuận và phối hợp triển khai không chỉ của riêng cơ quan quản lý TTCK, mà còn cả sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. “Trong các vấn đề còn vướng mắc để nâng hạng, UBCK đã và đang triển khai đồng thời các giải pháp tháo gỡ, đã tổ chức làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ hai vấn đề trọng yếu trước mắt ảnh hưởng đến việc nâng hạng”, ông Sơn cho biết.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ước tính, nếu được MSCI và FTSE nâng hạng TTCK Việt Nam lên TTCK mới nổi, sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Tại cuộc làm việc với Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg đầu tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện mục tiêu nâng hạng và Bộ trưởng đề xuất, Luxembourg hỗ trợ Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, công nghệ chuyển đổi số, vận hành TTCK lành mạnh, bền vững.
Đánh giá về hiện trạng TTCK, một số chuyên gia nêu quan điểm, nền tảng vĩ mô tích cực cùng nỗ lực nâng hạng TTCK tạo nên kỳ vọng về tương lai sáng hơn của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn chủ động bằng phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Đây cũng là một trong các chỉ tiêu quan trọng nhất đánh giá độ sâu của TTCK, bên cạnh chỉ tiêu các loại hàng hóa và thanh khoản thực tế.