Phiên thảo luận về tài chính - tín dụng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 |
Mất cân đối giữa kênh cung ứng và thị trường vốn
Theo thống kê, tín dụng vốn trung và dài hạn hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ của nền kinh tế).
Trong khi đó, năm 2018, quy mô thị trường cổ phiếu đạt trên 91% GDP, và số lượng công ty niêm yết tăng 10,07%. Quy mô thị trường trái phiếu đạt trên 39% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 30,54% GDP, và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp là 8,57% GDP…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, toàn bộ dư nợ nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, vốn trung và dài hạn. Do vậy, áp lực của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế là rất lớn, gây sự mất cân bằng về thời gian nguồn vốn.
Chỉ ra nguyên nhân của sự mất cân bằng này, ông Hùng cho rằng, một phần là do doanh nghiệp (DN) chưa có chiến lược và xây dựng lộ trình để chủ động sử dụng và huy động vốn trong từng giai đoạn. DN còn ngại công bố thông tin, báo cáo tài chính chưa minh bạch, rõ ràng nên khi đi vay vốn, các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn khi cho vay.
Mở rộng thị trường vốn
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, phiên thảo luận với chủ đề Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính ghi nhận sự phát triển đáng kể của thị trường chứng khoán với vai trò là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho đầu tư phát triển. Quy mô thị trường chứng khoán đã cao hơn so với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển tài chính và lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Trần Xuân Hà nhận định, kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm của Việt Nam. Theo đó, quy mô thị trường chứng khoán (tương đương 175 tỷ USD năm 2018) còn nhỏ so với các nước trong khu vực; thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự phát triển; các định chế tài chính như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư chứng khoán, dù cơ chế chính sách đã có, song việc thành lập và hoạt động còn khó khăn; tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch được giao.
Để tiếp tục phát triển thị trường vốn, khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế, trong thời gian tới, Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp như: trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm hoàn thiện thể chế, tạo khung hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện cho phát triển thị trường.
Ngoài ra, thực hiện tái cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa, tái cơ cấu các định chế trung gian, tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư, cũng như tái cơ cấu thị trường giao dịch, trong đó có việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP.HCM…
Theo quan điểm riêng, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cần đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nhanh, bền vững các phân đoạn thị trường tài chính; tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân huy động vốn trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các thị trường chứng khoán phái sinh để thị trường vốn trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng.