Hiện hàng hóa từ các nước thành viên trong khối RCEP đang chiếm khoảng 70% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi |
Cơ hội cho nhiều doanh nghiệp ở quy mô khác nhau
Tại Hội nghị ”Tác động của RCEP đối với kinh tế Việt Nam và những điều DN cần biết” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 19/4, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, RCEP đặt khu vực châu Á vào thế năng động mới. Hiện nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á nói chung và các nước thuộc RCEP đang trên đà hồi phục sớm sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19. Với đà phục hồi chung đó, việc thực thi hiệu quả RCEP sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi kinh tế khu vực, tránh được rủi ro “lạc nhịp”.
Ông Dương nhìn nhận, các nước thành viên của RCEP có sức tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh mẽ thời gian qua. Bước vào sân chơi năng động RCEP sẽ giúp Việt Nam hòa mình vào đà phục hồi của nền kinh tế khu vực, để sớm lấy lại được đà tăng trưởng cao. Đặc thù của RCEP là gắn với mạng sản xuất, chuỗi cung ứng của khu vực nên việc thực thi hiệu quả Hiệp định không chỉ mang tới cơ hội về thương mại, đầu tư mà còn gắn với chuỗi cung ứng khu vực cho DN Việt Nam. RCEP có thể giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, DN có cơ hội nâng cao sức cạnh tranh, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực cũng như toàn cầu.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập chỉ ra, RCEP được thực thi đồng nghĩa với việc DN Việt Nam có thêm một con đường xuất nhập khẩu. Nhìn vào các cam kết của RECP cho thấy đây là hiệp định “mới vừa vừa”, bởi RCEP không có những cam kết tiêu chuẩn cao, tự do hóa mạnh như các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới khác nên đây không chỉ là cơ hội cho các DN lớn của Việt Nam mở rộng thị trường mà còn là cơ hội cho các DN vừa và nhỏ tiến sâu vào thị trường này.
Bà Trang cũng cho biết, các cam kết trong RCEP về ưu đãi thuế quan có lộ trình mở cửa trong thời gian dài từ 15 - 20 năm nên sẽ tạo ra sự thay đổi dần dần cho các DN có thể thích ứng được.
Làm gì để không bỏ lỡ cơ hội?
Cơ hội và động lực từ RCEP rất nhiều song các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải nhìn nhận thực tế, các nước tham gia RCEP là những thị trường truyền thống của Việt Nam - những thị trường có tỷ lệ nhập siêu lớn nhất nên có thể gây sức ép cho DN Việt Nam ngay trên sân nhà.
Theo bà Trang, kể từ khi RCEP có hiệu lực, nhập khẩu hàng hóa từ các nước RCEP vào Việt Nam tăng lên. Sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu nội khối với hàng hóa của các DN trong nước cũng rất lớn khi hàng hóa từ các nước thành viên trong khối đang chiếm khoảng 70% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Để không mất thị phần “sân nhà”, bà Trang khuyến nghị, DN cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa để tiến sâu vào thị trường nội khối RCEP.
Cũng theo bà Trang, trong RCEP, các thành viên ở trình độ phát triển khác nhau, có cơ chế quản lý xuất nhập khẩu khác nhau. Do đó, DN Việt cần phải hiểu những cam kết để có thể tận dụng tối đa quyền và bảo vệ lợi ích của mình.
Tán thành quan điểm trên, ông Dương cho rằng, bản thân DN Việt Nam phải hết sức nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội khai thác thị trường này. Trước hết, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin, đừng nghĩ các thị trường RCEP là thị trường dễ tính.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, RCEP là thị trường quy mô lớn, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, các DN lớn rất nhiều. Theo đó, bản thân DN có thể cân nhắc chi phí lợi ích của mình với việc nhìn nhận đây là Hiệp định trong mảnh ghép các FTA mà Chính phủ mở ra để DN tìm kiếm được phân khúc thị trường phù hợp.
Hỗ trợ DN Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ RCEP, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 2/2022, Bộ đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong RCEP. Thông tư có hiệu lực từ ngày 4/4/2022, trong đó có hướng dẫn cho DN về nội dung này.