Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma - Ảnh: VGP |
Trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 diễn ra sáng nay 6/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp với tỷ phú Jack Ma, thành viên sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba - doanh nghiệp hàng đầu thế giới về thanh toán điện tử của Trung Quốc.
Trao đổi với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tỷ phú Jack Ma đánh giá Việt Nam là thị trường thuận lợi để phát triển tốt thanh toán điện tử khi có dân số trẻ và lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đông đảo. Trong chuyến sang Việt Nam dự Diễn đàn Thanh toán điện tử năm 2017, mục đích lớn nhất mà vị tỷ phú mong muốn là được truyền cảm hứng tới giới trẻ để tận dụng các cơ hội khởi nghiệp đến từ thanh toán điện tử.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ cách mạng công nghệ hiện đại mang lại nhiều lợi ích cho mỗi quốc gia và người dân dù ở bất kỳ đâu, thành thị hay nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế “phi chính thức” còn tồn tại với quy mô không nhỏ thì thanh toán điện tử sẽ góp phần minh bạch mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, chống xói mòn cơ sở thuế trên nguyên tắc “mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong kinh doanh và nộp thuế”.
Chính phủ Việt Nam đã giao các bộ, ngành nghiên cứu cụ thể về thanh toán điện tử đối với nền kinh tế, trong đó bao quát cả khu vực kinh tế “phi chính thức”.
Phó Thủ tướng mong muốn Jack Ma và Alibaba chia sẻ các kinh nghiệm quản lý và kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó có thanh toán di động cho các bộ, ngành và doanh nghiệp của Việt Nam; mở gian hàng của Việt Nam trên Alibaba.
Đồng tình với những chia sẻ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tỷ phú Jack Ma khẳng định sẽ chia sẻ các thành tựu thương mại điện tử mà Alibaba đã đạt được và ký thoả thuận hợp tác về phát triển thương mại điện tử, khoa học công nghệ với Việt Nam.
Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam như các nhà mạng, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp tài chính điện tử (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động bình thường, ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống.
Phó Thủ tướng cho rằng, thanh toán điện tử mang lại lợi ích tổng thể cho xã hội nhưng cần phải làm rõ lợi ích dành cho các ngân hàng, các công ty Fintech trong lĩnh vực này. Với Việt Nam, các ngân hàng sống dựa chủ yếu vào tín dụng, còn lợi nhuận từ phi tín dụng thì rất hạn chế nên sẽ có không ít xung đột giữa ngân hàng và các công ty Fintech trong thanh toán điện tử.
“Đôi khi chủ thể nào đó tham gia hệ sinh thái này mà còn nghĩ tới cái tôi thì khó mà tạo ra sự bùng nổ thanh toán điện tử được”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết hạ tầng chưa đồng bộ sẽ là cản trở cho thanh toán điện tử.
“Mạng lưới viễn thông đã phủ rộng khắp cả nước. 53% dân số dùng Internet và hơn 120 triệu điện thoại di động. Nhưng nhiều người chưa có tài khoản ngân hàng nên là thách thức cho thanh toán di động”, ông Hưng nói.
Tuy nhiên, với những lợi ích mang lại từ thanh toán di động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính Phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam bằng các chính sách toàn diện về pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp công nghệ, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tăng cường quảng bá, truyền thông để giúp mọi chủ thể hiểu được các tiện ích thiết thực mang lại cho hệ sinh thái này.
“Để có hệ sinh thái hoàn thiện cho thanh toán di động thì cần có thời gian. Nhưng cái gì cần thử nghiệm, thí điểm trước thì Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành đề xuất và Chính phủ sẽ xem xét ở tinh thần rất tích cực để có bước đi phù hợp, tạo dựng hệ thống đồng bộ cho các bên sử dụng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.