Cơ quan thuế sẽ làm việc với một số chủ sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… để nắm bắt thông tin cho công tác quản lý thuế. Ảnh: Tiên Giang |
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, cục thuế một số địa phương đã đẩy mạnh phối hợp với các bên có liên quan, nắm bắt thông tin về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của nhiều cá nhân để truy thu thuế (nếu có).
Với các hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, cơ quan thuế có thể xác minh tại tất cả các ngân hàng trên cả nước để xác định các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội nước ngoài chưa thực hiện kê khai nộp thuế, hoặc kê khai nộp thuế không đúng quy định, từ đó thực hiện thanh tra, kiểm tra để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính.
Với trường hợp bán sản phẩm thu tiền mặt thông qua bưu điện và các công ty giao nhận hàng hóa, cán bộ thuế xác minh tại các đơn vị ký hợp đồng nhận vận chuyển hàng hóa có thu hộ tiền cho người bán, từ đó xác định số lượng hàng hóa bán, số tiền thu hộ để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm những khoản doanh thu không khai thuế.
Với việc bán sản phẩm thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng những tài khoản mở tại các ngân hàng nhưng không đăng ký với cơ quan thuế, cơ quan thuế kiểm tra các trang web, các địa chỉ bán hàng trên các trang mạng xã hội để xác định tài khoản nhận thanh toán tiền mua hàng. Trong một số trường hợp, cán bộ thuế có thể trực tiếp mua hàng, chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng và xác định các tài khoản nhận thanh toán tiền. Sau đó tiến hành xác minh tại ngân hàng, từ đó phát hiện khoản doanh thu không khai thuế (nếu có).
Nhiều trường hợp cơ quan thuế xuống tận tổ dân phố để nắm bắt thông tin bởi các hộ kinh doanh online thường có người vận chuyển hàng ra vào. Sau đó, cơ quan thuế sẽ có cách để truy ra thông tin, thậm chí mua hàng để nắm được số tài khoản ngân hàng, từ đó yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản.
Với giao dịch qua sàn thương mại điện tử, các cơ quan thuế địa phương tổ chức quản lý thuế với thương mại điện tử trên địa bàn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, những địa bàn phát sinh nhiều hoạt động kinh doanh này.
Mặt khác, Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư về thuế của các cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Theo đó, các đơn vị trung gian của giao dịch thương mại điện tử (sàn thương mại điện tử, đơn vị giao nhận) nếu nắm được dòng tiền thì khai thông tin và nộp thuế thay cho cá nhân và hộ kinh doanh; hoặc cá nhân kinh doanh sẽ phải tự kê khai và nộp thuế khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Ngành thuế đang cân nhắc phương thức thực hiện để bảo đảm quản lý chặt chẽ việc kê khai và nộp thuế, đồng thời vẫn tạo thuận lợi và khuyến khích người dân áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Liên quan nội dung này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, cơ quan thuế sẽ làm việc với một số chủ sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Hà Nội và TP.HCM như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… để triển khai việc cung cấp thông tin cho công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng vừa có ý kiến chỉ đạo Tổng cục Thuế cần tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, làm tốt công tác chống chuyển giá; triển khai thí điểm và ban hành sớm quy định pháp luật về thu thuế trên nền tảng số, khẩn trương áp dụng phát hành hóa đơn điện tử; hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế...