Tiền đâu để đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng nhu cầu vốn để nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe, nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế trên cả nước hiện khoảng 513.186 tỷ đồng. Trên cơ sở các tiêu chí ưu tiên và sàng lọc đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đề xuất bố trí 181.403 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư nâng cấp 23 dự án cao tốc. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ khoảng 165.000 tỷ đồng để bổ sung số vốn còn thiếu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bố trí 181.403 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư nâng cấp 23 dự án cao tốc. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bố trí 181.403 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư nâng cấp 23 dự án cao tốc. Ảnh: Lê Tiên

Cần 513.186 tỷ đồng nâng cấp 2.830 km cao tốc

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng nguồn vốn đầu tư để nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe với tổng chiều dài 689 km cần khoảng 87.481 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước cần 82.559 tỷ đồng, hiện đã cân đối 6.039 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 4.922 tỷ đồng, còn thiếu 76.520 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế với tổng chiều dài 2.141 km cần khoảng 425.705 tỷ đồng, vốn nhà nước cần 412.567 tỷ đồng, đã cân đối được 1.995 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 13.138 tỷ đồng, còn thiếu 410.572 tỷ đồng.

Ngoài ra, hiện có 2 đoạn thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang khai thác quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, cần nghiên cứu mở rộng lên 6 làn xe (gồm cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) cũng cần nguồn lực lớn để đầu tư.

Bộ GTVT đề xuất phân chia việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc thành 4 nhóm, trong đó ưu tiên đầu tư nhóm 1 với 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách, tổng chiều dài 256 km với tổng mức đầu tư khoảng 55.318 tỷ đồng, gồm: đoạn La Sơn - Hòa Liên, đoạn Cam Lộ - La Sơn, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận và đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình. Trong đó, vốn nhà nước khoảng 15.034 tỷ đồng, ngân sách địa phương cân đối 3.028 tỷ đồng, ngân sách trung ương cân đối 5.006 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 40.284 tỷ đồng, còn thiếu 7.000 tỷ đồng. Với 3 nhóm dự án còn lại, Bộ GTVT chỉ nêu tổng nhu cầu vốn đầu tư công là 480.092 tỷ đồng cho 2.767 km đường cao tốc, nhưng chưa rõ nguồn lực sẽ lấy từ đâu để thực hiện.

Theo ý kiến của Bộ Tài chính, để có phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh thì cần phải đánh giá tính cần thiết, cấp bách phải đầu tư đối với từng đoạn tuyến, làm rõ sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan, đặc biệt phải đánh giá khả năng thực hiện, giải ngân trong từng giai đoạn đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước (giai đoạn năm 2021 - 2025, 2026 - 2030 và sau năm 2030). Bộ Tài chính cho rằng, trên cơ sở nguyên tắc việc đầu tư, nâng cấp phải phù hợp với quy mô, quy hoạch tương ứng từng thời kỳ và phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện để lựa chọn, sàng lọc dự án ưu tiên đầu tư. Nên ưu tiên đầu tư, nâng cấp đoạn tuyến có lưu lượng xe cao, chưa đảm bảo an toàn giao thông và đã sẵn sàng để triển khai thực hiện (sẵn sàng về mặt bằng thi công, điều kiện thi công, điều kiện thủ tục đầu tư…).

Cần ưu tiên đầu tư mở rộng các đoạn cao tốc quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh để đảm bảo an toàn giao thông và đồng bộ trên toàn tuyến. Ảnh: Lê Tiên

Cần ưu tiên đầu tư mở rộng các đoạn cao tốc quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh để đảm bảo an toàn giao thông và đồng bộ trên toàn tuyến. Ảnh: Lê Tiên

Đề xuất sàng lọc dự án, xây dựng phương án vốn khả thi

Về phía địa phương, đến nay, UBND các tỉnh: Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn đều đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ để mở rộng cao tốc từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh do phía địa phương không có khả năng cân đối được nguồn lực đầu tư.

Bộ KH&ĐT cho rằng, trong bối cảnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ nhà đầu tư là có hạn so với tổng nhu cầu thực tế, việc đầu tư nâng cấp các công trình cao tốc phải chắt lọc kỹ và có các tiêu chí ưu tiên cần thiết để tránh đầu tư dàn trải và không khả thi trong việc bố trí nguồn lực thực hiện. Theo đó, cần đầu tư mở rộng các đoạn cao tốc quy mô 2 làn xe (đã hoàn thành, đang đầu tư) lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh để đảm bảo an toàn giao thông và đồng bộ trên toàn tuyến, trong đó cần ưu tiên các đoạn tuyến đang mất an toàn giao thông nghiêm trọng (thường xuyên xảy ra tai nạn), đặc biệt trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các đoạn có lưu lượng tăng cao gây ách tắc kéo dài, các dự án đối tác công tư (PPP) đã đưa vào khai thác (có khả năng thu xếp được nguồn vốn, thủ tục đầu tư thuận lợi).

Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư mở rộng toàn bộ các đoạn tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe hạn chế, 4 làn hoàn chỉnh đang khai thác lên quy mô theo quy hoạch trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các đoạn cao tốc kết nối tại cửa ngõ trung tâm thành phố lớn, giảm ùn tắc, bức xúc về kinh tế, xã hội. Việc đầu tư phải phù hợp với nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, khả năng giải ngân vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của ngân sách trung ương và địa phương, khả năng huy động vốn nhà đầu tư tại các dự án PPP…

Trên cơ sở các tiêu chí ưu tiên và sàng lọc đầu tư, Bộ KH&ĐT vừa đề xuất bố trí 181.403 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư nâng cấp 23 dự án cao tốc. Hiện vốn ngân sách trung ương dự kiến cân đối được 15.506 tỷ đồng trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 để nâng cấp, mở rộng 5 dự án cao tốc gồm: đoạn La Sơn - Hòa Liên (3.011 tỷ đồng), đoạn Cam Lộ - La Sơn (7.000 tỷ đồng), đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (1.995 tỷ đồng), đoạn Tuyên Quang - Hà Giang (3.500 tỷ đồng). Đối với số vốn còn thiếu 165.897 tỷ đồng cho 18 dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ 4 làn xe hạn chế, 4 làn hoàn chỉnh lên quy mô quy hoạch, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ khoảng 165.000 tỷ đồng để đầu tư nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa thực tế trong tương lai với tầm nhìn dài hạn trên 20 năm.

Tin cùng chuyên mục