OceanBank, GPBank và CB chuẩn bị lựa chọn nhà thầu thực hiện xác định giá trị ngân hàng. Ảnh: Song Lê |
NHNN vừa có công văn gửi HĐTV các ngân hàng thương mại (NHTM) gồm NHTM MTV Xây dựng (CB), NHTM MTV Đại Dương (OceanBank) và NHTM MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) về việc xác định giá trị ngân hàng. Theo đó, yêu cầu 3 ngân hàng này lập và gửi NHNN trước ngày 26/8/2022 dự toán gói thầu thuê đơn vị thực hiện xác định giá trị ngân hàng.
NHNN cũng đề nghị 3 ngân hàng chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để triển khai ngay công việc liên quan đến việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện xác định giá trị ngân hàng theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.
Trước đó, các chính sách hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém này cũng đã được ban hành. Tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
Quyết định này nêu các giải pháp cơ cấu lại các NHTM mua bắt buộc, gồm: triển khai cơ cấu lại theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong hoạt động ngân hàng, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các tồn tại, rủi ro trong quá trình tác nghiệp; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; phân loại nợ theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh và gia tăng hiệu quả công tác xử lý, thu hồi nợ và tài sản tồn đọng cho ngân hàng
NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trong đó có nội dung cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với NHTM đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực.
CB được NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng vào tháng 2/2015. Sau đó, CB được Vietcombank hỗ trợ toàn diện trong quá trình tái cơ cấu.
OceanBank được NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng vào tháng 4/2015. Năm 2016, OceanBank xây dựng Đề án tái cơ cấu trình NHNN, sau đó bắt đầu làm việc với các đối tác nước ngoài về đề án tái cơ cấu.
GPBank được NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng vào tháng 7/2015.
Cùng với các hành lang pháp lý đó, NHNN cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng có tiềm lực tài chính mạnh tham gia tái cơ cấu các nhà băng yếu kém này. Theo đó, việc tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém được coi là một trong những “điểm cộng” về tiêu chí để xét cấp hạn mức tín dụng.
Bình luận về chuyển động chính sách này của NHNN, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, đây là những bước đi “kịp và cần” sau 7 năm. Theo ông Linh, những năm vừa qua, hệ thống ngân hàng đã có những thay đổi về quy mô, năng lực quản trị. Đó là một kết quả rất đáng ghi nhận. Quá trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là không hề dễ dàng bởi khối nợ xấu từ những năm trước là rất lớn, nền kinh tế đã và đang có những giai đoạn hết sức khó khăn. Mặt khác, đó cũng là quãng thời gian cần thiết để các ngân hàng mua lại bắt buộc có thể củng cố về quản trị, cơ cấu lại nguồn vốn, nhân sự. Đây cũng là cơ sở để có thể tiến hành định giá trước khi thực hiện các bước tiếp theo như bán lại cổ phần cho đối tác trong nước, ngân hàng tham gia tái cơ cấu hoặc đối tác nước ngoài.
“Việc đánh giá đầy đủ và toàn diện để định giá công khai, minh bạch là cơ sở để NHNN và đối tác quan tâm có phương hướng tái cơ cấu phù hợp. Khi đó, những ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh cũng sẽ dễ dàng giải trình với cổ đông về việc tham gia tái cơ cấu các ngân hàng này”, ông Linh nói.