Tiến nhanh tới mục tiêu thịnh vượng nhờ phát triển vùng

(BĐT) - Nhiều năm qua, công tác xây dựng các quy hoạch phát triển vùng mặc dù được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi. Đã đến lúc công tác phân vùng, quy hoạch vùng cần được nghiêm túc nhìn nhận lại để Việt Nam có những vùng quy hoạch là đầu tàu đưa Việt Nam tiến nhanh tới mục tiêu hùng cường, thịnh vượng. Trong một chiều cuối năm Tân Hợi, PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ với Báo Đấu thầu về vấn đề này. 
Quy hoạch vùng đóng vai trò quan trọng trong điều tiết vĩ mô, thu hút nguồn lực, đầu tư, quản trị không gian phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Đông Giang
Quy hoạch vùng đóng vai trò quan trọng trong điều tiết vĩ mô, thu hút nguồn lực, đầu tư, quản trị không gian phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Đông Giang

Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giai đoạn 2021 - 2030. Theo ông, kinh tế Việt Nam còn dư địa nào chưa được khai thác triệt để trong thời gian qua?

Theo tôi, phát triển KTXH theo quy hoạch vùng là một trong các dư địa mà Việt Nam chưa tận dụng được trong thời gian qua. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt khá nhiều quy hoạch vùng, nhưng thực tế cho thấy có nhiều lý do khiến công tác phân vùng và quy hoạch vùng không đi vào được cuộc sống. Quy hoạch vùng không đảm nhiệm được vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô, định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút nguồn lực, đầu tư, quản trị không gian KTXH, đặc biệt là thực hiện vai trò liên kết nội vùng như chúng ta vẫn mong đợi.

Khi bàn về chất lượng quy hoạch phát triển KTXH vùng thì còn nhiều bất cập, tình trạng quá nhiều quy hoạch ở cấp địa phương, quy hoạch dàn trải, không tính đến lợi ích kinh tế chung và lợi ích cộng đồng đã gây lãng phí nguồn lực và phức tạp trong thực hiện.

Chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết nội vùng có hiệu quả nhưng lại là khâu yếu nhất trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay. Cách phân vùng KTXH còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết KTXH nội vùng và liên vùng vẫn chưa được coi trọng.

Tiến nhanh tới mục tiêu thịnh vượng nhờ phát triển vùng ảnh 1
PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh
Vậy, kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc quy hoạch và phân vùng để tạo ra những vùng có tiềm năng kinh tế vững mạnh như thế nào?

Quy hoạch vùng của các quốc gia trên thế giới được phát triển và cải cách liên tục. Khoảng 20 năm lại đây, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch đô thị bền vững được xem xét như những bộ phận cấu thành của quy hoạch  và tổ chức lãnh thổ, bao trùm hệ thống lãnh thổ các cấp: liên quốc gia, quốc gia, vùng và địa phương.

Song song với công cuộc đổi mới quy hoạch vùng, công tác phân vùng cũng diễn ra tương tự theo các phương pháp tiếp cận khác nhau như: tiếp cận tổ chức chính trị hành chính; tiếp cận theo quan điểm xây dựng chính sách phát triển vùng; tiếp cận theo phương pháp quy hoạch lãnh thổ (vùng quy hoạch).

Về phân vùng hành chính, phương án phân vùng tùy thuộc vào hình thái và mô hình tổ chức nhà nước. Về phân vùng kinh tế, mỗi quốc gia có phương án phân vùng riêng dựa vào sự phân bổ và tổ chức sản xuất theo lãnh thổ. Về phân vùng theo trình độ phát triển KTXH, tùy thuộc vào chính sách phát triển vùng mà mỗi quốc gia phân chia đất nước thành các “vùng đồng tính” hoặc các “vùng phân cực” để xây dựng chính sách phát triển phù hợp.

Ngoài ra, còn phân vùng theo chức năng như vùng đô thị, vùng du lịch, vùng công nghiệp, nông nghiệp để tiếp cận vùng theo quan điểm chuyên môn hóa.

Ngày nay, quy hoạch vùng đã được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành nên việc xác định vùng để lập quy hoạch lãnh thổ được gọi là “vùng quy hoạch” có các cấp phân vị và chức năng khác nhau. 

Từ thực trạng của Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần quy hoạch vùng như thế nào, lưu ý những yếu tố nào để các vùng được quy hoạch thực sự phát triển?

Luật Quy hoạch 2017 đã giải thích thuật ngữ về “vùng” và “quy hoạch vùng” theo quan điểm tích hợp về phân vùng và quy hoạch lãnh thổ. Đây là quan điểm rất mới và tiến bộ về vùng đã được Quốc hội quyết định.

Do vậy, khi nói về quy hoạch vùng thì không nên dùng lại từ truyền thống là “phân vùng kinh tế” nữa, mà là “phân vùng quy hoạch” với hàm ý phân chia lãnh thổ quốc gia thành những “bộ phận lãnh thổ hoặc các vùng lãnh thổ tương đồng về điều kiện tự nhiên, KTXH, lịch sử văn hóa, dân cư, kết cấu hạ tầng và các mối quan hệ tương tác giữa chúng để tạo ra sự liên kết bền vững với nhau”.

Về cách làm, theo tôi, Chính phủ nên nghiên cứu hợp phần “phân vùng quy hoạch lãnh thổ” trong Dự án Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội quyết định, đúng với quy định của pháp luật. Mặt khác, khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia mới có điều kiện nghiên cứu đầy đủ được, từ đó xác định hệ thống các vùng quy hoạch trong khung không gian quốc gia, bao gồm: các vùng, các cực tăng trưởng và các hành lang phát triển và các mối quan hệ tương tác giữa chúng.

Trong trường hợp xây dựng một đề án phân vùng riêng thì Chính phủ vẫn phải báo cáo Quốc hội trước khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia với đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. 

Thay đổi tư duy về vùng kinh tế và phân vùng kinh tế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?

Để khắc phục những tồn tại của công tác phân vùng hiện nay, ngoài cách làm như trên, thì trước hết phải có nhận thức đúng đắn, toàn diện về vùng. Nó được xác định vì một mục tiêu nào đó, tiếp sau đó là việc sử dụng các phương pháp khoa học về phân vùng. Và cuối cùng là việc đánh giá tác động của phương án phân vùng lựa chọn để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, sẽ có những thách thức khi thay đổi tư duy, đầu tiên là phải tôn trọng tính khách quan, bảo đảm về cơ sở khoa học và thực tiễn, tránh chủ quan duy ý chí, hình thức, làm cho có. Bởi vì, xác định được hệ thống các vùng tối ưu là công việc rất khó nhưng nếu làm tốt thì sẽ mang lại lợi ích to lớn cho hôm nay và các thế hệ mai sau.

Thách thức tiếp theo phải kể đến là công tác quản trị vùng. Cho đến nay cơ sở pháp lý để hình thành Hội đồng vùng hoặc cơ quan, tổ chức quản lý và điều phối vùng chưa rõ, chưa phát huy được sức mạnh của cơ quan này. Quy hoạch vùng chỉ bảo đảm được tính hiệu quả và tính khả thi khi xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan điều phối phát triển vùng.

Ngoài ra, pháp luật về tài khóa và phân bổ ngân sách cũng phải đổi mới vì không có quy định các vấn đề có liên quan đến tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch vùng…

Tin cùng chuyên mục