Vn30-Index "vít" chỉ số VN-Index xuống vùng đỏ trong phiên chiều nay. |
Các trụ lớn của VN30 tiếp tục sụp đổ phiên chiều nay, kéo theo không chỉ VN30-Index mà cả VN-Index phải đóng cửa trong sắc đỏ. Thanh khoản của nhóm blue-chips tăng đột biến và các mã giảm sâu đều có giao dịch rất lớn.
VN30-Index vốn đã kém từ sáng, sang phiên chiều càng đuối hơn. Nhịp giảm gia tốc về cuối phiên và chỉ số này phải đóng cửa ngưỡng thấp nhất ngày, bốc hơi 11,74 điểm, tương đương 0,79% và xác lập phiên giảm thứ 5 liên tiếp.
VN-Index ít xấu hơn do vẫn có vài trụ đỡ, chốt phiên giảm 0,28% tương đương 3,84 điểm. Dù vậy chỉ số này cũng “bổ nhào” từ đỉnh cao xuống đáy thấp nhất phiên lúc đóng cửa, xác nhận sức ép rất lớn từ phía blue-chips.
Rổ VN30 cuối ngày vẫn còn 13 mã tăng và 16 mã giảm. So với phiên sáng (14 mã tăng/15 mã giảm), độ rộng không kém đi bao nhiêu, nhưng những cổ phiếu lao dốc hầu hết đều tụt giá thêm đáng kể. Đặc biệt hai trụ lớn của VN30-Index là HPG và TCB có một phiên chiều thê thảm.
HPG chốt phiên sáng giảm 1,06%, tuy có ảnh hưởng nhưng chưa nhiều. Chiều nay HPG liên tục chịu các đợt xả cực mạnh, khối lượng bán thêm tới gần 20,3 triệu cổ tương đương 1.127 tỷ đồng. Đặc biệt đợt ATC mã này có lượng xả tới gần 6 triệu cổ. Dù khối ngoại có bán, nhưng chưa tới 2,9 triệu cổ, chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng thanh khoản phiên này. HPG từ chỗ là một blue-chips dẫn dắt thị trường khi vượt đỉnh lịch sử thì 5 phiên gần đây đã quay đầu và bốc hơi 4,84% giá trị.
TCB chiều nay không thực kém. Nhịp giảm chính chỉ diễn ra trong 30 phút đầu phiên chiều, giá tụt thêm xấp xỉ 1% so với cuối phiên sáng. Sau đó TCB có nhịp phục hồi tốt, nhưng ATC lại xuất hiện gần 1,35 triệu cổ tung ra bán, đè giá lao dốc 2,68% so với tham chiếu.
HPG và TCB là hai trụ rất lớn trong VN30-Index và không có gì khó hiểu khi chỉ số này lại giảm mạnh như vậy. Chỉ riêng hai cổ phiếu nói trên đã khiến VN30 mất 8,5 điểm trong tổng số 11,74 điểm mấy đi hôm nay. May mắn là với VN-Index, chỉ mất hơn 3 điểm.
Mặc dù vậy không chỉ riêng hai mã này là “tội đồ” khiến các chỉ số đỏ cuối phiên. Hầu hết các mã trong nhóm VN30 đều tụt giá so với cuối phiên sáng ở mức độ khác nhau. BVH, cổ phiếu siêu mạnh buổi sáng đến khoảng 1h45 cũng bất ngờ bị xả “bung” giá trần. Tuy nhiên đến cuối phiên thì cầu quay lại giúp mã này chốt được ở giá cao nhất. GVR, một trong hai trụ mạnh nhất của VN-Index buổi sáng, ngay từ đầu phiên chiều đã bắt đầu trượt giảm. Từ mức tăng 4,05% cuối phiên sáng, đóng cửa GVR chỉ còn tăng 2,61%.
Các blue-chips lớn nhất vẫn đang là gánh nặng cho thị trường. |
Thống kê so sánh giữa giá cuối phiên chiều với cuối phiên sáng, rổ VN30 có tới 24 mã trượt giảm, chỉ 5 mã có cải thiện. CTG là mã duy nhất bật cao hơn đáng kể. Cổ phiếu này chốt phiên sáng giảm 0,17%, đứng mức 29.600 đồng. Trạng thái đi ngang kéo dài tới sau 2h chiều thì đột ngột bùng nổ tăng vọt lên 30.150 đồng, tức là tăng 1,86% chỉ trong hơn 10 phút. Đóng cửa CTG tụt xuống, còn tăng 0,84% so với tham chiếu.
Nhóm VN30 chiều nay tiếp tục chịu áp lực bán rất lớn, giao dịch khoảng 4.154 tỷ đồng nữa, nâng mức khớp lệnh cả phiên lên 9.836 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch cao nhất kể từ đầu tháng 9 vừa qua, khi cả VN30 lẫn toàn thị trường liên tục thiết lập các kỷ lục về thanh khoản.
Không chỉ ở nhóm VN30, cả thị trường chiều nay nhìn chung có diễn biến giá yếu hơn phiên sáng. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên sáng còn tốt với 237 mã tăng/196 mã giảm. Đến khoảng 1h56 độ rộng đã cân bằng và từ đó trở đi, bên giảm giá áp đảo. Kết phiên HoSE có 200 mã tăng/240 mã giảm.
Các nhóm cổ phiếu mạnh từ sáng vẫn duy trì được đà tăng, dù mức tăng có hẹp lại chút ít. Riêng hàng đầu cơ thì cực khỏe. Hai sàn có tới 57 mã kịch trần, riêng HoSE là 25 mã. C32, BMI, BVH, TLD, HAR, CSV, SAM, YEG, PSH, ITC, HAP là các cổ phiếu kịch trần với giao dịch hàng triệu đơn vị mỗi mã.
Tuy vậy các mã tăng trần phần lớn vốn hóa nhỏ, thanh khoản tuy lớn về khối lượng nhưng lại nhỏ về giá trị. Top 20 cổ phiếu có giá trị khớp lệnh lớn nhất 2 sàn niêm yết – chiếm 42% tổng giá trị - thì chỉ có 5 mã tăng giá, còn lại đều giảm, và cũng chỉ có 2 mã giảm dưới 2% mà thôi. Điều này cho thấy mức thanh khoản rất cao hôm nay là do nhà đầu tư tháo chạy.
Nhà đầu tư nước ngoài lại có thêm một phiên bán ròng khổng lồ nữa. Cuối phiên sáng mức bán ròng trên HoSE mới 205 tỷ, buổi chiều vọt lên gần 1.190 tỷ đồng. VJC xuất hiện thỏa thuận bán ròng hơn 3,2 triệu cổ tương đương 417 tỷ đồng. HPG, NLG đều bị bán ròng vọt lên trên trăm tỷ đồng. VHM, KBC, PC1, PAN, HSG, DPM, VRE, VCB, C32, CSV, GEX... đều bị bán ròng rất nhiều. Phía mua lớn nhất là CTG cũng chỉ hơn 40 tỷ đồng ròng.