Tiếp tục tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đơn giản hóa quy trình, thủ tục trong lựa chọn nhà thầu, tiết kiệm thời gian, bảo đảm tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu cho tất cả các chủ thể, đối tượng là những yêu cầu từ thực tiễn trong lĩnh vực đấu thầu. Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đề xuất sửa đổi một số nội dung để tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu, nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó nhà thầu, nhà đầu tư trong nước là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, nhiều tổ chức như đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… là các tổ chức, đơn vị có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu thuộc lĩnh vực mình hoạt động, nhưng không thuộc các đối tượng theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu nên không đủ tư cách để tham dự thầu.

Tại Dự thảo Luật sửa đổi 4 luật trên, Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung thêm “tổ chức khác” bên cạnh các tổ chức được nêu tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu. Theo đánh giá, phương án sửa đổi về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư sẽ góp phần hoàn thiện đầy đủ, thống nhất hệ thống pháp luật về đấu thầu, bảo đảm quyền lợi cho các chủ thể tham gia đấu thầu, giải quyết được vướng mắc hiện nay trong thực thi Luật Đấu thầu và tiếp cận thông lệ quốc tế.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, nếu Dự thảo Luật bổ sung nội dung quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư thì VCCI, 8 chi nhánh và 1 văn phòng đại diện của VCCI sẽ được tháo gỡ khó khăn để có tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu các gói thầu đào tạo, tập huấn, tư vấn, tuyên truyền ở các địa phương, các gói thầu hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư.

Về phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ, tại Khoản 1 Điều 31 Luật Đấu thầu quy định, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, hiện pháp luật về khoa học, công nghệ chưa có quy định về việc xác định gói thầu đòi hỏi kỹ thuật cao nên các chủ đầu tư thường gặp khó khăn trong việc xác định phương thức lựa chọn nhà thầu, đặc biệt là các gói thầu đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng.

Chia sẻ với phóng viên, cán bộ của 1 ban quản lý dự án giao thông trên địa bàn Hà Nội cho biết, một số gói thầu của đơn vị có giá trị hàng trăm tỷ đồng, trong đó không ít thiết bị có yêu cầu kỹ thuật cao nhưng chưa có quy định rõ ràng để xác nhận thiết bị cần mua “yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp” nên chủ đầu tư đề xuất cấp có thẩm quyền lựa chọn phương án “an toàn” là đấu thầu một giai đoạn một túi hồ sơ.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, Bộ KH&ĐT đề xuất điều chỉnh quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 31 Luật Đấu thầu theo hướng phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ áp dụng đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Việc sửa đổi này sẽ góp phần hài hòa quy định của pháp luật về công nghệ cao và phù hợp với chủ trương, đường lối của Chính phủ trong từng thời kỳ về danh mục sản phẩm công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 45 Luật Đấu thầu (về thời gian trong lựa chọn nhà thầu) theo hướng đối với gói thầu tư vấn đơn giản hoặc gói thầu có giá trị không quá 500 triệu đồng hoặc gói thầu cấp bách cần thực hiện ngay do yêu cầu về tiến độ, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu có thể quy định tối thiểu là 9 ngày đối với đấu thầu trong nước. Việc sửa đổi này bắt nguồn từ quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Đấu thầu có các mốc thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu giữa các lĩnh vực chưa được thống nhất và gây ra khó khăn nhất định cho các chủ đầu tư, đặc biệt trong các trường hợp dự án, gói thầu cần triển khai gấp. Đối với lựa chọn tư vấn trong nước, có những gói thầu giá trị thấp, đơn giản, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu theo quy định hiện hành là 18 ngày sẽ làm kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục