Tìm cách giải bài toán thiếu cát giữa “rốn cát” Đồng Tháp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được coi là “rốn cát” của Đồng bằng sông Cửu Long với số lượng mỏ lớn, tuy nhiên nhiều dự án xây dựng tại Đồng Tháp đang rơi vào tình cảnh thiếu cát nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công. Chính quyền địa phương, các chủ đầu tư và các nhà thầu đang tìm mọi cách để giải bài toán khan hiếm cát, hạn chế ảnh hưởng tới tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2022, nhu cầu cát phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 16 triệu m3 nhưng trữ lượng khai thác tối đa chỉ hơn 6 triệu m3. Ảnh minh họa: N.Chi
Năm 2022, nhu cầu cát phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 16 triệu m3 nhưng trữ lượng khai thác tối đa chỉ hơn 6 triệu m3. Ảnh minh họa: N.Chi

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Xây lắp Thành An 96 (Nhà thầu Thành An 96) vừa trúng Gói thầu số 15 Thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước đoạn từ Km9+700 đến Km15+000 thuộc Dự án Xây dựng tuyến ĐT.857 (đoạn Quốc lộ 30 - ĐT.845 tỉnh Đồng Tháp) với giá hơn 133 tỷ đồng, tỏ ra khá lo lắng. Lý do, bởi dù đã hoàn tất thương thảo hợp đồng nhưng nếu Nhà thầu Thành An 96 ký hợp đồng xây lắp thì ngay lập tức lỗ gần 15 tỷ đồng. Nếu từ chối ký thì mất khoản bảo lãnh dự thầu khoảng 2,5 tỷ đồng và uy tín bị ảnh hưởng rất xấu. Theo lãnh đạo Thành An 96, một trong những nguyên nhân lớn là giá cát san lấp trên thị trường đã tăng mạnh so với mức giá dự toán trong hồ sơ mời thầu. Không chỉ vậy, nguồn cung cát san lấp tại Đồng Tháp lại đang trong tình cảnh khan hiếm.

Đây cũng là bài toán mà phần lớn nhà thầu xây dựng tại Đồng Tháp đang gặp phải. Trong báo báo định kỳ về tiến độ xây dựng và giải ngân các dự án giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp đều đánh giá tình trạng thiếu cát san lấp đang ở mức báo động. Hiện tại, tất cả nhà thầu thi công ở 10 dự án do Ban làm chủ đầu tư đều gặp khó khăn về nguồn cung cát.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp, trong năm 2022, nhu cầu cát phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn Tỉnh khoảng 16 triệu m3. Tuy nhiên, theo rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường, trữ lượng khai thác tối đa chỉ hơn 6 triệu m3. Do vậy, tình trạng hiếu cát san lấp càng trở nên trầm trọng.

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp cũng khẳng định tình trạng thiếu cát san lấp ảnh hưởng lớn tới các dự án xây dựng giao thông. Sắp tới, khi Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long triển khai các dự án đường bộ cao tốc như Cao Lãnh - An Hữu, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thì nhu cầu cát san lấp sẽ càng lớn. Ước tính sơ bộ, giai đoạn 2022 - 2025, riêng nhu cầu của Đồng Tháp đã lên đến hơn 37 triệu m3 cát san lấp và xây dựng. Những năm gần đây, nguồn cát phục vụ san lấp chủ yếu do các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang cung cấp. Tình hình khan hiếm nguồn cung cát san lấp sẽ càng trở nên gay gắt và cần tìm ngay lời giải cho bài toán thiếu cát.

Đại diện Nhà thầu Thành An 96 cho biết, để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá cát san lấp tăng, ngoài việc tìm kiếm, đa dạng nguồn cung, tính toán kỹ lưỡng phương án vận chuyển để tối ưu chi phí, Công ty chọn phương án tự mua sắm, trang bị phương tiện đường thủy vận tải cát để tăng tính chủ động tìm kiếm nguồn cung và giảm giá thành. Mặt khác, Thành An 96 sẽ không tính chi phí khấu hao thiết bị vận tải để tiết giảm thấp nhất chi phí chuỗi cung ứng cát.

Hai tháng gần đây, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận ý kiến một số nhà thầu thi công các công trình ĐT.843, ĐT.849, ĐT.841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2, ĐT.848 tại Đồng Tháp đều cố gắng đa dạng nguồn cung cát, thay đổi phương thức, phương án vận chuyển… Thậm chí, nhiều nhà thầu đã chấp nhận lỗ, tăng giá mua để có đủ cát thi công.

Theo ông Lê Hoàng Bảo, để bảo đảm tiến độ các dự án giao thông trước tình trạng thiếu nguồn cung và giá cát san lấp tăng cao thì cần có giải pháp căn cơ. Theo đó, ngoài tăng sản lượng khai thác cát thông qua cấp phép mỏ mới, tăng trữ lượng cát khai thác địa phương cần cập nhật nhanh đơn giá cát bám sát thị trường làm cơ sở lập dự toán xây dựng các công trình giao thông. Sự điều chỉnh này sẽ tạo thêm nguồn tài chính khả thi giúp các nhà thầu vượt qua khó khăn.

Ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, để giải quyết tình trạng khan hiếm cát san lấp, Tỉnh chỉ đạo doanh nghiệp khai thác cát tại địa phương ưu tiên cung cấp cho nhà thầu thi công các gói thầu xây lắp trọng điểm trên địa bàn Tỉnh và các cao tốc trọng điểm quốc gia. Về lâu dài, Đồng Tháp đã khảo sát đánh giá trữ lượng cát trên địa bàn và đang tiến hành tích hợp quy hoạch mỏ khai thác cát vào quy hoạch Tỉnh. Cuối năm 2022, khi quy hoạch được thông qua, Tỉnh sẽ cấp phép khai thác mỏ mới, tăng công suất đối với mỏ đang khai thác để giải quyết căn cơ vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục