Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương tính đến ngày 31/10/2020 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% so với kế hoạch giao. Có sự chênh lệch giải ngân khá lớn giữa các bộ, ngành và địa phương. Phần lớn các bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ Giao thông vận tải có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong 10 tháng đầu năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đoàn công tác của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nhờ đó tình hình thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thì mức giải ngân này đạt trên 35%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn trả kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2020. Việc này đã gây sức ép lên NSNN trong các năm tiếp theo, giảm uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh tỷ lệ giải ngân tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Thủ tướng đề nghị thảo luận nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giải ngân vốn thấp; tập trung nêu rõ giải pháp thiết thực để có bước tiến mới không chỉ cho năm nay mà cả các năm tới.