Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Chi lương hàng năm quá lớn
Theo đó, kể từ ngày 1/5/2016 sẽ tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng lên 1,21 triệu đồng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
“Trong bối cảnh cân đối ngân sách còn hết sức khó khăn thì đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu và cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, năm nào cũng hoàn thành vượt dự toán thu, nhưng năm nào cân đối thu - chi cũng hết sức căng thẳng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căng thẳng trong cân đối ngân sách, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là chi thường xuyên (chủ yếu là chi lương) chiếm tỷ trọng quá cao so với tổng chi, tốc độ tăng chi thường xuyên quá nhanh, và tăng cao hơn tốc độ tăng thu, nhưng thu nhập của người lao động trong khu vực nhà nước vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hiện cả nước có trên 55.800 đơn vị sự nghiệp công, theo ông Vũ Văn Ninh, cải cách hệ thống tiền lương là công việc hết sức nhạy cảm và hết sức quan trọng vì chi lương cho đơn vị sự nghiệp công chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi hàng năm, hiện chiếm gần 39% tổng chi.
“Nếu chỉ trông vào ngân sách thì lương khu vực sự nghiệp công rất thấp, chất lượng dịch vụ không thể tăng đáp ứng yêu cầu của xã hội. Muốn nâng cao chất lượng dịch vụ công thì lương trả cho người lao động ở khu vực này phải trả tương xứng với mức độ cống hiến của họ. Muốn trả lương xứng đáng với mức độ đóng góp, kinh nghiệm, trình độ của người lao động trong khu vực sự nghiệp công thì không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh cơ chế tự chủ về biên chế, tổ chức và tài chính đi đôi với xã hội hóa dịch vụ công”, ông Vũ Văn Ninh phát biểu.
Năm 2016, theo dự toán ngân sách nhà nước vừa được Bộ Tài chính công bố công khai thì trong số tiền 1.273.200 tỷ đồng tổng chi, NSNN đã phải dành ra 823.995 tỷ đồng để chi thường xuyên, nếu cộng thêm 13.055 tỷ đồng chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế thì chi thường xuyên chiếm tới hơn 65,74% tổng chi. Cơ cấu chi tiêu năm 2016, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có sự cải thiện nhất định so với những năm trước đây nhưng vẫn còn quá lớn (về tỷ lệ chi thường xuyên/tổng chi) so với thông lệ quốc tế.
“Những năm trước đây chi thường xuyên chiếm 68 - 69% thậm chí trên 70% tổng chi ngân sách hàng năm. Chi thường xuyên quá lớn khiến ngân sách không có tiền để chi cho đầu tư phát triển. Muốn chi cho đầu tư phát triển thì phải đi vay, vay đến hạn không trả được nợ do chi thường xuyên quá lớn thì lại phải đi vay để đảo nợ, vay dài hạn trả nợ ngắn hạn khiến cân đối NSNN năm nào cũng hết sức căng thẳng”, ông Đinh Tiến Dũng phát biểu.
Quyết liệt tinh giản biên chế
Mặc dù lương cơ sở cho khu vực hành chính năm 2016 chỉ “tăng lấy lệ” (tăng 5%), nhưng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng vẫn bày tỏ sự hài lòng, vì đây là lần đầu tiên khu vực nhà nước được tăng lương kể từ tháng 7/2012 đến nay (tăng từ 1,05 triệu đồng lên 1,15 triệu đồng). Theo ông Đặng Ngọc Tùng, để thực hiện lộ trình tăng lương bảo đảm yêu cầu “lương tối thiểu phải bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người lao động” thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tinh giản bộ máy hành chính, thực hiện khoán chi hành chính, tiết giảm các khoản chi không cần thiết và tách bộ máy sự nghiệp công ra khỏi bộ máy hành chính để khu vực sự nghiệp công sau khi được tự chủ có thể tự tăng lương được cho người lao động.
Để cải cách căn bản hệ thống tiền lương, theo bà Đỗ Thị Hoàng, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, phải đẩy mạnh cải cách đội ngũ đang hưởng lương từ NSNN. Bà Đỗ Thị Hoàng cho rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách đông và có xu hướng càng thực hiện tinh giản biên chế thì biên chế càng tăng. “Năm 2015 tổng biên chế hành chính, sự nghiệp tăng hơn 30% so với năm 2007. Trong khi đó, cơ chế phân bổ ngân sách chủ yếu dựa trên đầu mối số lượng biên chế, số bệnh viện, số giường bệnh, số trường học, lớp học…, mà không căn cứ vào nhiệm vụ, khả năng tự chủ, hiệu quả đầu ra, vô hình trung tác động làm tăng biên chế, nhất là ở những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách mà hàng năm phải trông cậy vào ngân sách cấp trên”, bà Đỗ Thị Hoàng phát biểu.