Tính phương án triển khai đồng bộ cao tốc Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 11/6/2020. Nhiều đại biểu Quốc hội lưu ý rằng, thời điểm này không chỉ giải quyết câu chuyện đầu tư xây dựng các dự án thành phần, mà phải có phương án cụ thể hoàn vốn ra sao, đầu tư đồng bộ toàn tuyến cao tốc huyết mạch này như thế nào để khai thác hiệu quả hơn.
Nếu 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển sang đầu tư công hoàn toàn, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn. Ảnh: Lê Tiên
Nếu 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển sang đầu tư công hoàn toàn, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn. Ảnh: Lê Tiên

Xây dựng phương án hoàn vốn khả thi

Trong Tờ trình Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư từ đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công hoàn toàn đối với 3 dự án thành phần gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng, vấn đề cân đối, bố trí vốn cho các dự án khi chuyển sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước có thể thu xếp được. Trước đây, vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương phân bổ 60 - 65% hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương, chỉ giữ lại 30 - 35% cho các dự án quan trọng. Theo cơ chế mới sẽ điều chỉnh ngược lại, dành không quá 35% ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương, phần còn lại đầu tư dự án quan trọng quốc gia, liên vùng… Cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng hàng đầu, ưu tiên bố trí đầu tiên thì sẽ cân đối được. Ngoài ra, có thể huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với vốn vay, và chuyển nhượng quyền thu phí.

Đại biểu Lý Tuyết Hạnh (Bình Định) cũng cho rằng, sau khi Nhà nước bỏ vốn ra xây dựng, cần có phương án thu hồi vốn để đầu tư dự án khác và phương án nhượng quyền thu phí là phù hợp. “Nhiều vấn đề sẽ phát sinh trong việc vận hành nên cần tính toán kỹ phương án thu hồi vốn để khả thi, sử dụng hiệu quả”, đại biểu Lý Tuyết Hạnh lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện Nghị quyết 52/2017/QH14, nếu được chuyển đổi, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn nhà nước tại các dự án thành phần đầu tư công hoàn toàn.               

Sớm tính toán triển khai đồng bộ toàn tuyến

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, xác định Cao tốc Bắc - Nam phía Đông là tuyến đường huyết mạch, quan trọng quốc gia, Bộ GTVT quyết tâm khi chuyển sang đầu tư công có thể đấu thầu ngay, cuối tháng 9 có kết quả, khởi công toàn bộ các gói thầu của 3 dự án trong năm nay.
Đại biểu Lý Tuyết Hạnh đề nghị Chính phủ ngay lúc này cần rà soát để triển khai các dự án còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo sự thông suốt, liên hoàn, kết nối hạ tầng, trong đó có thể thực hiện ngay việc khảo sát, phóng tuyến, cắm mốc lộ giới cho các đoạn tuyến còn lại. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đầu tư mạng lưới đường ngang kết nối các vùng để khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Nếu làm đồng bộ, có phương án chuyển giao phù hợp để thu hồi vốn, giải phóng mặt bằng tốt thì sẽ đẩy nhanh được toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) lưu ý, Chính phủ phải có phương án để thực hiện đồng bộ cả 11 đoạn. Với 5 đoạn còn lại, nếu không đầu tư PPP được thì cần có giải pháp để sớm hoàn thiện đồng bộ tuyến đường, phát huy hiệu quả khai thác.

Từ câu chuyện của các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, ông Hạ cho rằng, Chính phủ nên rà soát hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến thu hút đầu tư theo phương thức PPP, nhất là khi Quốc hội sắp thông qua Luật PPP. “Tại sao thời gian qua PPP chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài? Phải chăng do cơ chế chính sách, chưa có hành lang pháp lý đồng bộ, ổn định?”, ông Hạ đặt vấn đề. Bài học từ thực hiện các dự án BOT thời gian qua cho thấy, không có pháp lý ổn định thì nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, sẽ rất e ngại.

Theo Chính phủ, việc chuyển sang đầu tư công các dự án này không có nghĩa là đi ngược chủ trương thu hút vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng. Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, giai đoạn từ 2011 đến nay, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã thu hút khoảng 355.000 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội. Đây là sự quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng về huy động nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống pháp luật điều chỉnh phương thức đầu tư PPP chưa hoàn thiện nên việc thu hút nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Chính phủ xác định sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách để tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng. Sau khi ban hành Luật PPP với những cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ giúp Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong những giai đoạn tới.

Tin cùng chuyên mục