Hiện chưa tổ chức nào có thể đưa ra con số cụ thể về ảnh hưởng của Brexit đến nền kinh tế Việt Nam cũng như tác động đến từng doanh nghiệp niêm yết, nhưng nhà đầu tư có thể nhìn nhận ảnh hưởng từ những tác động tổng thể.
Về thương mại, xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2015. Với quy mô như vậy, xuất nhập khẩu với Anh ít bị ảnh hưởng bởi Brexit.
Xét về mặt hàng, gần 47% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác. Xuất khẩu của nhóm sản phẩm này phụ thuộc vào sự thành bại của các dòng sản phẩm/mẫu mã mới của các nhà sản xuất như Samsung, Sony, Toshiba..., hơn là các thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam với Anh.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn tiếp theo là hàng dệt may, giày dép và các sản phẩm gỗ. Thị trường Anh chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Những sản phẩm này có độ linh hoạt cao hơn, nên ít bị ảnh hưởng hơn.
Về đầu tư, các nhà quan sát đánh giá, đầu tư của Anh vào Việt Nam hầu như không có sự liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Đầu tư của Anh vào Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào phía Việt Nam (cơ hội đầu tư, thủ tục hành chính), chứ không phải là từ phía Anh.
Với tình hình như vậy, giới quan sát cho rằng, nhà đầu tư không nên quá lo lắng. Ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nhà đầu tư cần bình tĩnh để có hành động phù hợp và định hướng giao dịch hiện nay cần dựa trên quan điểm thận trọng.
Về tỷ giá, do euro và bảng Anh có thể mất giá, nên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU sẽ gặp khó khăn hơn, trong đó phải kể đến một số doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, thủy sản... Tuy nhiên, đây cũng không phải bức tranh tối màu hoàn toàn, bởi euro giảm giá lại tạo ra lợi ích cho một số doanh nghiệp đang vay nợ bằng đồng tiền này.
Tại Báo cáo đánh giá sự kiện Brexit của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, ông Trần Hưng, chuyên viên phân tích đánh giá, với kỳ vọng euro mất giá mạnh, cổ phiếu một số doanh nghiệp có vay nợ bằng euro (HT1, BCC, NT2) sẽ được hưởng lợi khi nhà đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn trong bối cảnh lo ngại về sự bất ổn của thị trường. Ngược lại, những doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng yên Nhật, như PPC, có thể khiến thị trường e dè.
Tuy nhiên, ông Hưng lưu ý, đây chỉ là biến động ngắn hạn và nền tảng hoạt động của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định giá của cổ phiếu.
Chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng giữ quan điểm tích cực với một số ngành và cổ phiếu có vay nợ các đồng tiền giảm giá so với USD như xi măng (HT1, BCC), nhiệt điện (NT2, BTP) hay các ngành có xuất khẩu sang các thị trường có nội tệ lên giá như FPT, VHC. Ở chiều ngược lại, chuyên gia này cho rằng, các cổ phiếu vận tải biển (VOS, VIP, VTO, PVT), hóa chất (DCM), nhiệt điện (PPC) sẽ chịu thiệt hại khi có dư nợ ngoại tệ bằng USD và yên Nhật cao.
Trên thực tế, cổ phiếu HT1 tăng trần phiên 24/7 và tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên đầu tuần này (tăng 2,3%). Trong khi đó, các cổ phiếu BCC, NT2 cũng tăng trần phiên 24/7, song giảm điểm vào phiên 27/6 (giảm 1,1 - 2,6%). Tương tự, các cổ phiếu VOS, VIP, VTO, PPC đều giảm điểm trong các phiên sau sự kiện Brexit, trong đó, VOS giảm sàn phiên 27/6.
Tuy tác động trực tiếp không nhiều, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo nhà đầu tư về những tác động gián tiếp do ảnh hưởng của động thái chuyển dịch dòng vốn quốc tế. Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, (Công ty Chứng khoán Sài Gòn) nhận định, giới đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục cẩn trọng với những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Theo đó, họ sẽ có xu hướng chuyển dòng vốn từ các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu sang các tài sản rủi ro thấp hơn như vàng, trái phiếu hay đồng yên Nhật.