Kết quả kinh doanh ảm đạm, Công ty CP Ô tô TMT vẫn đặt chỉ tiêu cao trong năm 2017. Ảnh: Nhã Chi st |
Tồn kho lớn
Theo báo cáo tài chính, đến 31/12/2016 tổng giá trị hàng tồn kho của Công ty là hơn 1.432 tỷ đồng. Tại thời điểm đầu năm 2016, con số này là hơn 1.531 tỷ đồng Hàng tồn kho lớn, chi phí tài chính tăng cao, tính cả năm 2016, Công ty phải chi trả trên 101 tỷ đồng lãi vay trong khi cả năm 2015 chỉ là gần 40 tỷ đồng. Những yếu tố kể trên đã làm ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của Công ty.
Vẫn theo báo cáo tài chính, cả năm 2016, TMT đạt trên 2.528 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh so với cùng kỳ 2015 (đạt 3.365 tỷ đồng). Doanh thu sụt giảm kéo theo lợi nhuận cũng èo uột. Cụ thể, đến 31/12/2016, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty đạt 49,1 tỷ đồng, kém xa so với con số 186,7 tỷ đồng đạt được trong năm 2015. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu cũng giảm mạnh từ mức 6.133 đồng năm 2015 xuống còn 1.315 năm 2016.
So với kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra đầu năm 2016, kết quả kinh doanh đạt được làm cổ đông thất vọng. Theo kế hoạch, Công ty TMT đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2016 của Công ty mẹ lên đến hơn 256 tỷ đồng, cổ tức chi trả 50%.
Giải trình về kết quả sản xuất kinh doanh quý IV và năm 2016, TMT phân trần, nếu như năm 2015 là năm được đánh giá về sự bùng nổ của phân khúc thị trường xe tải thì năm 2016 mức độ tiêu thụ xe tải đang ở dạng bão hòa. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của TMT trong năm vừa qua.
Cùng với các nguyên nhân khách quan, TMT cho rằng một số thị trường chưa khai thác tốt dẫn đến thị phần không những không tăng mà còn bị giảm sút; một số đại lý chưa thực hiện tốt công tác dịch vụ sau bán hàng, chưa thực hiện nghiêm túc công tác phát triển thị trường theo chủ trương định hướng của Công ty. Cùng với đó, một số đại lý chưa trưng bày đầy đủ các sản phẩm do TMT sản xuất, lắp ráp và phân phối, chưa chủ động tìm kiếm khách hàng mà chỉ bán sản phẩm khi có khách hàng đến, dẫn đến thị phần ngày càng thu hẹp, doanh số sụt giảm. Công tác bán hàng chưa được làm tốt, chưa xây dựng được chiến lược bán hàng dài hạn, chưa nắm bắt được thị hiếu của khách hàng tại từng vùng miền khác nhau để đưa ra sản phẩm phù hợp.
Trước đó, trong báo cáo giải trình nguyên nhân sụt giảm doanh thu và lợi nhuận trong quý III/2016 so với cùng kỳ, TMT chỉ ra nguyên nhân chủ yếu do chính sách kích cầu tiêu dùng của Công ty như các chính sách khuyến mại, chiết khấu, giảm giá, chi phí quảng cáo trên VOV giao thông, truyền hình… làm tăng chi phí. Cùng với đó, doanh thu tiêu thụ 9 tháng đầu năm của TMT chịu ảnh hưởng lớn từ sản phẩm Sinotruk. Tháng 2/2016, Công ty TMT đã ký hợp tác độc quyền với nhà sản xuất Sinotruk nhập linh kiện để sản xuất lắp ráp. Tuy nhiên, do việc các cơ quan chức năng chưa làm tốt vai trò kiểm soát giá xe tải nặng nhập khẩu nguyên chiếc từ các nhà cung cấp, xuất khẩu nước ngoài dẫn đến các doanh nghiệp thương mại của Việt Nam đã nhập khẩu xe nguyên chiếc với giá thấp hơn giá thực tế. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng tiêu thụ xe tải nặng của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, trong đó có Công ty TMT…
Kỳ vọng vào bán… đất?
Kinh doanh khó khăn trong năm 2016 nhưng HĐQT TMT lại khá lạc quan với triển vọng năm 2017. Công ty này đã đề ra những chỉ tiêu cao cho năm 2017: sản lượng xe tiêu thụ đạt 12.278 chiếc; doanh thu thuần đạt 4.876,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 123,808 tỷ đồng; chia cổ tức 25%. Cùng với việc đặt mục tiêu cao vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, TMT đặt ra kế hoạch chuyển nhượng tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 83 phố Triều Khúc, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Liên quan đến việc chuyển nhượng này, Công ty TMT đặt chỉ tiêu sẽ tìm kiếm được tối thiểu 3 đối tác để chào bán theo giá bán cạnh tranh.
Với mức độ tiêu thụ xe tải năm 2016 đang ở dạng bão hòa như chính Công ty này nhận định, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận mà TMT đặt ra có đạt được hay không vẫn đang là một dấu hỏi. Rất có thể, việc chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất sẽ đóng vai trò quyết định trong việc hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trong năm 2017 của TMT.