TP.HCM chuẩn bị đón làn sóng đầu tư PPP mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM là địa phương được đánh giá triển khai nhiều dự án PPP thành công trong thời gian qua.
TP.HCM đang tổ chức triển khai thủ tục đầu tư 166 dự án PPP
với quy mô 324.777 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
TP.HCM đang tổ chức triển khai thủ tục đầu tư 166 dự án PPP với quy mô 324.777 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư và của Thành phố trong thời gian vừa qua rất lớn. Do đó, ngay khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được ban hành, TP.HCM sớm có những động thái chuẩn bị cho làn sóng đầu tư mới.

Nhiều dự án PPP chậm tiến độ, khó chuyển đổi

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, Thành phố đang quản lý 22 hợp đồng dự án đã ký kết với giá trị 64.244 tỷ đồng. Thành phố đang tổ chức triển khai thủ tục đầu tư 166 dự án PPP với quy mô 324.777 tỷ đồng, kêu gọi 293 dự án trên tất cả các lĩnh vực như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị với tổng mức đầu tư 910.466 tỷ đồng. Các dự án PPP tại TP.HCM đều được công khai thông tin, mời gọi nhà đầu tư quan tâm đảm bảo tiêu chí minh bạch, công khai.

Năm 2016, TP.HCM đã thành lập Ban chỉ đạo các dự án PPP. UBND Thành phố cũng thường xuyên tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc triển khai các dự án PPP tại Thành phố có nhiều thuận lợi. Đầu tiên là chủ trương của Đảng, Chính phủ quyết liệt trong việc kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thông qua phương thức PPP. Các chính sách của Nhà nước đã từng bước giúp hoàn thiện khung pháp lý cho phương thức đầu tư này và Thành phố nhận thấy các quy định ngày càng tiệm cận với thông lệ quốc tế, đảm bảo tiêu chí minh bạch, giảm thiểu rủi ro.

Tuy vậy, khó khăn đặt ra cho Thành phố khi triển khai các dự án PPP còn rất nhiều. Do trước đây các quy định về PPP chưa nhất quán, thậm chí có nhiều điểm khác biệt giữa các luật (15 luật, 28 thông tư), quan điểm trái chiều giữa các bộ, ngành khiến Thành phố bối rối. Đặc biệt, TP.HCM có những vướng mắc lớn liên quan đến việc bố trí nguồn vốn ngân sách Thành phố cho các dự án PPP, sử dụng tiền thu từ đấu giá tài sản công, không cho thanh toán dự án BT bằng tiền… Điều này dẫn tới từ năm 2018 đến nay, gần như các dự án BT “nằm im”, các dự án PPP khác tiến độ rất chậm.

Đã hơn 4 năm kể từ khi TP.HCM đặt mục tiêu kêu gọi nhà đầu tư để chuyển các dự án đầu tư công thuần ngân sách sang dự án PPP nhưng đến nay chưa có một dự án nào thực hiện được. “Chúng ta hàng năm triển khai hàng trăm dự án ở nhiều lĩnh vực, tại sao không có các phương án chuyển dự án khả thi từ đầu tư công thuần túy sang PPP? Chúng tôi đã làm việc với 8 nhà đầu tư các dự án PPP của Thành phố thì nhà đầu tư nào cũng kêu gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là nội dung mà Hội đồng nhân dân Thành phố rất lưu tâm”, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM cho biết.

Nỗ lực đấu thầu toàn bộ các dự án PPP

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, cơ hội và thách thức cho TP.HCM trước bối cảnh Luật PPP vừa được thông qua là “rất lớn và phải tận dụng ngay, không thể bỏ lỡ cơ hội. Bắt đầu ngay từ khâu chuẩn bị dự án PPP từ phía Thành phố”.

Theo ông Hoan, thẳng thắn nhìn nhận, UBND TP.HCM đề xuất dự án PPP hàng năm rất nhiều nhưng các nhà đầu tư không mấy mặn mà. “Tại sao Thành phố đề xuất thì dự án không hấp dẫn? Chất lượng lập dự án của chúng ta còn bất cập, không tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư trong các dự án, dẫn tới “ế” và lạc hậu. Chúng ta vẫn phụ thuộc vào các đề xuất dự án của nhà đầu tư, từ đó dẫn tới chỉ định thầu nhà đầu tư đa số dự án. Trong khi đó, nếu làm tốt khâu chuẩn bị dự án này, sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm, chúng ta có cơ hội đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tạo nên môi trường cạnh tranh, hiệu quả cho các dự án. Đây chính là lợi ích kép mà Luật PPP kỳ vọng đem lại cho Thành phố”, ông Hoan khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Phan Thị Thắng, với Luật PPP được ban hành, trong thời gian tới, các Nghị định hướng dẫn sẽ chi tiết hơn, đồng thời sẽ có tính bao quát hơn, tránh sự khác biệt ý kiến giữa các bộ, ngành. “Đây là cơ hội tốt nhất để TP.HCM có những “trận đánh” trọng điểm trên mặt trận đầu tư phát triển hạ tầng theo phương thức PPP. Cụ thể, Thành phố sẽ dồn vốn, tiềm lực cho những dự án ưu tiên. Xong dự án nào sẽ triển khai ngay để tạo nền tảng, niềm tin cho cộng đồng nhà đầu tư. Chúng ta không đầu tư tràn lan, mà có chọn lọc”, bà Thắng cho biết.

Tin cùng chuyên mục