Cụ thể, IFC sẽ đầu tư hơn 403 tỷ đồng, tương đương khoảng 18,3 triệu USD thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi, sở hữu 4,999% cổ phần (CP) tại TPBank. Đại diện TPBank cho biết, việc đầu tư của IFC sẽ giúp TPBank có thêm nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển cũng như cung cấp các khoản vay với tổng giá trị lên tới 2 tỷ USD cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 năm tới.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2016, Ban lãnh đạo TPBank từng hé lộ kế hoạch của Ngân hàng cùng với IFC. Theo đó, TPBank sẽ phát hành riêng lẻ hơn 29,2 triệu CP cho IFC với mức giá 13.800 đồng/CP. Đây là CP ưu đãi cổ tức, được ưu tiên thanh toán cổ tức trước tất cả các CP khác với mức cố định 8,5%/năm. Ngoài ra, CP có thể chuyển đổi sang CP phổ thông khi IFC có yêu cầu trong khoảng thời gian 5 năm kể từ ngày phát hành. CP không bị hạn chế chuyển nhượng, đồng thời có thể được hoàn trả (yêu cầu TPBank mua lại) trong một số trường hợp theo quy định. Hiện những thông tin trong hợp đồng giữa 2 bên vẫn chưa được công bố đầy đủ. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận phương thức tăng vốn của TPBank.
Trước đó, IFC và TPBank đã từng có các hợp tác kinh tế quan trọng. Năm 2015, TPBank là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam được IFC cấp hạn mức tài trợ thương mại trị giá 10 triệu USD và chỉ 5 tháng sau, IFC đã quyết định tăng hạn mức cho TPBank lên 30 triệu USD dựa trên hoạt động tài trợ thương mại hiệu quả của TPBank, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giao dịch thương mại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Được biết, trong năm tài chính 2016, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt gần 19 tỷ USD.
Tại Việt Nam, TPBank là ngân hàng thứ 3 mà IFC đầu tư với tư cách cổ đông. Trước đó, tổ chức này đã rót vốn vào Ngân hàng TMCP An Bình và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Với tỷ lệ sở hữu “sát” mức 5% - IFC vẫn chưa được coi là cổ đông lớn của TPBank.