TPBank: Hành trình lột xác trước khi lên sàn

(BĐT) - Là 1 trong 9 ngân hàng trong danh sách bắt buộc tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), TPBank đã có những bước lột xác đáng kể dưới thời ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI. Sau 7 năm kể từ thời điểm tái cấu trúc, ngân hàng này đã thay đổi thế nào?
Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của TPBank đạt 1.205 tỷ đồng, tăng trên 70% so với năm 2016. Ảnh: Tiên Giang
Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của TPBank đạt 1.205 tỷ đồng, tăng trên 70% so với năm 2016. Ảnh: Tiên Giang

Nỗ lực thay đổi

TPBank được thành lập năm 2008 bởi các cổ đông sáng lập là những tên tuổi lớn như:  FPT, MobiFone và Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare). Sau 3 năm hoạt động, nợ xấu tăng cao, lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng và rơi vào tình trạng mất thanh khoản, TPBank phải thực hiện tái cấu trúc theo yêu cầu của NHNN.

Kế hoạch tái cấu trúc của TPBank chính thức khởi động với sự vào cuộc của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI và các cổ đông liên quan (gọi chung là nhóm DOJI) được đại diện bởi ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI vào năm 2012. Sau sự “thay máu” đáng kể trong cơ cấu chủ sở hữu, TPBank có những bước lột xác đáng kể.

Ngay sau khi về tay DOJI, TPBank đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.550 tỷ đồng, cùng với đó, ngân hàng này đã đón nhận một loạt các nhân sự mới ở các cấp cao nhất từ ban điều hành đến các khối quản lý. Những thay đổi trong quản trị đã tạo ra thay đổi trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.

Tại thời điểm cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 3,66% xuống còn 1,97%, tổng tài sản tăng gấp đôi từ 15.120 tỷ đồng lên 32.088 tỷ đồng, tổng huy động vốn và dư nợ cho vay đều tăng gấp đôi, lợi nhuận trước thuế tăng 3,2 lần so với năm 2012. Chỉ số tài chính các năm sau đó của TPBank cũng cho thấy sự cải thiện rõ rệt.

Kết thúc năm 2017, các chỉ số tài chính của TPBank đều có sự tăng trưởng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.205 tỷ đồng, tăng trên 70% so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,08%. Tổng tài sản cũng đạt hơn 124.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 17,2%.

Tới đây, để đáp ứng quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng, ông Phú sẽ từ nhiệm mọi chức vụ tại DOJI để giữ ghế Chủ tịch TPBank.

Hiện tại, mặc dù không đứng tên sở hữu bất kỳ cổ phiếu TPB nào nhưng DOJI và người nhà ông Phú (gồm: em trai Đỗ Anh Tú; 2 người con Đỗ Minh Đức và bà Đỗ Vũ Phương Anh và con gái ông Tú - Đỗ Quỳnh Anh) đang nắm giữ 18,92% sở hữu ngân hàng này.

Đơn vị tính: tỷ đồng

Ám ảnh đại án Phạm Công Danh

Theo bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu của TPBank, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2013 đến 12/2013, TPBank đã cho vay tổng cộng 11 công ty có liên quan trong vụ án Phạm Công Danh, và tất cả các khoản vay của 11 công ty đều được Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) bảo lãnh/bảo đảm bằng tiền gửi của VNCB tại TPBank. Ngoài ra, các khoản vay này còn được bảo đảm (cầm cố) bằng các trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung phát hành.

TPBank cho biết, do khách hàng vi phạm nghĩa vụ, TPBank đã yêu cầu khách hàng trả nợ trước hạn. Tuy nhiên, các khách hàng này không thực hiện việc trả nợ cho TPBank. Theo đó, căn cứ vào việc các khoản vay đều có tài sản bảo đảm, TPBank đã tiến hành trích tiền gửi của VNCB tại TPBank để thu hồi đầy đủ toàn bộ số nợ của 11 công ty được VNCB bảo lãnh/bảo đảm, phần tiền còn lại đã được TPBank chuyển trả cho VNCB.

Vẫn theo bản cáo bạch của TPBank, kết luận của Đoàn giám định NHNN khẳng định việc VNCB bị TPBank trích nợ tự động số tiền hơn 1.736 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho 11 công ty là phù hợp với quy định pháp luật và thỏa thuận giữa các bên, và TPBank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 11 công ty liên quan đến Phạm Công Danh.

Ngày 7/1/2018, Vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 đã được Tòa án nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử sở thẩm. Do còn một số nội dung chưa được làm rõ, ngày 7/2/2018, HĐXX đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

TPBank cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm rõ vụ án, đồng thời tham gia, theo dõi diễn biến của phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của TPBank.

Theo kế hoạch, ngày 19/4 tới đây, TPBank sẽ đưa 555 triệu cổ phiếu lên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Với mức giá 32.000 đồng/CP, TPBank sẽ có vốn hóa xếp thứ 8 trong số 11 ngân hàng đã niêm yết với hơn 17.760 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục