TP.HCM giải thể Trung tâm Mua sắm ngành y tế: Đấu thầu thuốc sẽ ra sao?

(BĐT) - Sau hơn 4 năm hoạt động với 2 lần tổ chức đấu thầu, Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế theo phương thức tập trung TP.HCM đã chính thức giải thể. Những mặt được và tồn tại của mô hình này được nhìn nhận như thế nào tại thị trường thuốc sôi động nhất cả nước?
Qua đấu thầu thuốc tập trung, ngành y tế TP.HCM đã tiết kiệm được 1.412 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Qua đấu thầu thuốc tập trung, ngành y tế TP.HCM đã tiết kiệm được 1.412 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng

UBND TP.HCM đã có quyết định giải thể Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế theo phương thức tập trung (Trung tâm). Trung tâm được thành lập ngày 24/1/2013. Trước năm 2013, các bệnh viện tại Thành phố đấu thầu riêng lẻ thuốc và trang thiết bị y tế. Sau khi thành lập Trung tâm, Sở Y tế TP.HCM tổ chức đấu thầu tập trung 2 lần vào các năm 2014 và 2015.

Thời điểm chuẩn bị thành lập Trung tâm, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, đấu thầu thuốc tập trung sẽ được thực hiện để chấm dứt tình trạng cùng một mặt hàng như nhau nhưng mỗi bệnh viện một giá. Cũng theo kế hoạch này, Thành phố sẽ thành lập đơn vị thực hiện đấu thầu thuốc tập trung để cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ở các bệnh viện thuộc Sở Y tế.

Trước khi đấu thầu tập trung, giá thuốc tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM có sự chênh lệch nhau rất lớn, cá biệt có trường hợp chênh nhau hàng chục lần. Nguyên nhân được chỉ ra chính là do đấu thầu riêng lẻ, lắt nhắt và các bệnh viện không thực hiện nghiêm những quy định về đấu thầu thuốc. Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã từng kiến nghị triển khai đấu thầu thuốc tập trung để đưa giá thuốc tại các bệnh viện về cùng một mặt bằng, tạo điều kiện cho việc chi trả bảo hiểm bền vững, cân đối cũng như tăng cường tính giám sát của bảo hiểm.

Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra đối chiếu kết quả đấu thầu tập trung đợt 1 năm 2014 với kết quả đấu thầu riêng lẻ tại các bệnh viện trong năm 2012. Qua đánh giá ban đầu, có nhiều mặt hàng thuốc có cùng hoạt chất, cùng tên thương mại, cùng nhà sản xuất có giá trúng thầu năm 2014 chỉ bằng khoảng 40 đến 50% giá trúng thầu năm 2011, 2012. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, qua thực hiện đấu thầu tập trung thuốc, ngành y tế Thành phố đã thực hiện hiệu quả việc mua sắm, cụ thể đã tiết kiệm được 1.412 tỷ đồng.

Lộ trình nào cho đấu thầu thuốc tại TP.HCM?

Sở Y tế TP.HCM khẳng định, hoàn toàn không có chuyện do đấu thầu tập trung không hiệu quả mà phải đưa về các bệnh viện đấu thầu riêng lẻ. Đấu thầu tập trung là xu thế tất yếu và Bộ Y tế cũng như Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang kỳ vọng tăng nhanh số lượng các mặt hàng đấu thầu tập trung cấp quốc gia và địa phương.
Lần đấu thầu tập trung năm 2014 tại TP.HCM đã xảy ra vụ việc Công ty CP VN Pharma làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc trị ung thư H-Capita. Từ năm 2016 đến nay, sau chỉ đạo của Thành ủy, Sở Y tế áp dụng hình thức đấu thầu kết hợp vừa tập trung vừa riêng lẻ. Việc Công ty CP VN Pharma trúng thầu số lượng lớn và có mặt hàng thuốc chưa được thẩm định hồ sơ nguồn gốc rõ ràng, đại diện Sở Y tế TP.HCM  cho biết, thời điểm tổ chức đấu thầu, hồ sơ dự thầu (HSDT) của Công ty CP VN Pharma đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, các mặt hàng tham dự thầu của Công ty đều được đánh giá kỹ thuật theo yêu cầu của HSMT.

Trong chỉ đạo giải thể Trung tâm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế bàn giao công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao cho các bệnh viện, cơ sở y tế công lập trên địa bàn Thành phố thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Trung tâm phải bàn giao tài sản, tài chính, cơ sở vật chất, con dấu, công nợ... cho các đơn vị liên quan.

Trong thời gian Trung tâm giải thể, nhiệm vụ đấu thầu 106 mặt hàng cấp địa phương được Sở Y tế TP.HCM giao cho Bệnh viện Trưng Vương thực hiện. Đơn vị thắng thầu có trách nhiệm cung cấp hàng cho tất cả các bệnh viện trong Thành phố. Năm 2018, trách nhiệm mua sắm 106 mặt hàng này có thể sẽ được Sở Y tế chuyển giao cho bệnh viện khác trực thuộc Sở Y tế. Các loại thuốc còn lại, cơ sở y tế có thể đấu thầu riêng lẻ theo nhu cầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM Lưu Thị Thanh Huyền khẳng định, dù tổ chức tập trung hay riêng lẻ thì cơ quan bảo hiểm xã hội TP.HCM sẽ giám sát chặt chẽ công tác đấu thầu để tránh tình trạng mỗi nơi một giá như trước đây.

Đại biểu quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đấu thầu thuốc tập trung giúp tiết kiệm được chi phí nhưng không phù hợp với thị trường rộng lớn có nhiều doanh nghiệp dược và nhiều bệnh viện như TP.HCM. Bởi lẽ, kết quả đấu thầu tập trung sẽ chỉ có một vài đơn vị trúng thầu, như vậy nguy cơ đứt hàng, thiếu thuốc có thể sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp trúng thầu xảy ra sự cố. Vụ VN Pharma xảy ra ngay trong lần đầu tổ chức đấu thầu thuốc tập trung tại TP.HCM đã dẫn đến những hệ lụy vô cùng to lớn đối với ngành y. 

Trong khi đó, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, hoàn toàn không có chuyện do đấu thầu tập trung không hiệu quả mà phải đưa về các bệnh viện đấu thầu riêng lẻ. Đấu thầu tập trung là xu thế tất yếu và Bộ Y tế cũng như Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang kỳ vọng tăng nhanh số lượng các mặt hàng đấu thầu tập trung cấp quốc gia và địa phương. Dù đưa về cho cơ sở khám chữa bệnh thì Sở Y tế vẫn phải đấu thầu tập trung 106 mặt hàng và tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai sót, tiêu cực có khả năng xảy ra trong đấu thầu thuốc, giúp các đơn vị làm công tác đấu thầu ngày một tốt hơn.

Theo quy định hiện nay, các Sở Y tế được phép tổ chức đấu thầu tập trung cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Bộ Y tế cho biết, trên cả nước đã có 56 tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu tập trung. Và 100% đơn vị đấu thầu thuốc tập trung cấp tỉnh, thành phố đều có sự tham gia của cơ quan bảo hiểm xã hội. Đấu thầu thuốc tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

Tin cùng chuyên mục