Các tổ chức tín dụng đang nắm giữ 85% lượng trái phiếu chính phủ. Ảnh: Duy Nghĩa |
Theo nhiều chuyên gia, huy động vốn vay qua phát hành TPCP là cần thiết, nhưng cần có sự tính toán để không cạnh tranh nguồn vốn với doanh nghiệp.
Trái phiếu chính phủ “đắt khách”
Theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 24/10/2016, đã phát hành được 268,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bảo đảm nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán năm. Như vậy, so với kế hoạch điều chỉnh lần thứ hai trong năm nay là 281 nghìn tỷ đồng, thì trong gần 2 tháng còn lại của năm, khối lượng huy động chỉ còn 12,7 nghìn tỷ đồng. Với tốc độ huy động thành công trung bình gần 27 nghìn tỷ đồng/tháng của 10 tháng qua, thì kế hoạch phát hành TPCP đã điều chỉnh năm nay rất có khả năng sẽ hoàn thành trước hạn.
Riêng trong tuần qua (24/10 - 28/10), Kho bạc Nhà nước tổ chức gọi thầu tại hai loại kỳ hạn 7 năm và 30 năm. Khối lượng gọi thầu cho hai loại kỳ hạn trên đều ở mức 1.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng đặt thầu cho kỳ hạn 7 năm gấp 2,45 lần giá trị gọi thầu. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 30 năm gấp 1,22 lần giá trị gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 100% tại mức lãi suất 7,98%/năm.
Bộ Tài chính đánh giá, công tác phát hành TPCP năm 2016 khá thuận lợi, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.
Về lãi suất, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt nhận định, với thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái tích cực và áp lực huy động của Kho bạc Nhà nước trong hai tháng cuối năm không còn lớn, nhiều khả năng lãi suất trúng thầu sẽ có xu hướng đi ngang, khó có sự thay đổi quá lớn so với mức hiện nay.
Lo ngại cạnh tranh vốn với doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê, phần lớn nhà đầu tư mua TPCP là ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác, như bảo hiểm.
Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này có đề cập đến việc các quỹ tích lũy trả nợ, quỹ sắp xếp các doanh nghiệp... đã được sử dụng tối đa cho ngân sách vay. Tính đến 31/12/2015, tổng giá trị các khoản vay và mua trái phiếu của Quỹ Bảo hiểm xã hội đã lên tới 324 nghìn tỷ, chiếm 90% tổng danh mục đầu tư của quỹ này.
Thống kê mới đây của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, trong quý III/2016, do thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái khá dồi dào, một phần lượng tiền dư ra này đã được các TCTD đầu tư vào kênh TPCP với tổng lượng vốn ròng rót vào đây là 141.923 tỷ đồng (tăng thêm khoảng 60.000 tỷ đồng so với thời điểm 20/6/2016).
Tuy phát hành TPCP được xem là giải pháp cần thiết trong điều kiện cần nguồn lực lớn cho đầu tư, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc TCTD đầu tư nhiều vào TPCP có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh vốn với khu vực doanh nghiệp, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, trong giai đoạn 2011 - 2015, để đạt được chi ngân sách, chi đầu tư công 1,2 triệu tỷ đồng, Chính phủ phải huy động vốn mỗi năm trên 300 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn tới, để thực hiện đầu tư công, đầu tư phát triển ước tính 2 triệu tỷ đồng thì mỗi năm phải huy động vốn trên 400 nghìn tỷ đồng, phát hành trái phiếu trên 289 nghìn tỷ đồng.
Ông Trần Hoàng Ngân lưu ý, trong giai đoạn 2011 - 2015, chúng ta phát hành TPCP bình quân một năm là 185 nghìn tỷ đồng, nên đã tạo áp lực lên thị trường tiền tệ, cạnh tranh vốn với các doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp cũng rất cần vốn. Cầu vốn tăng lên thì lãi suất tăng, làm sao doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài được? - ông Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi và lo ngại, trong giai đoạn tới, mức phát hành TPCP còn cao hơn, tiếp tục cạnh tranh với doanh nghiệp trên thị trường tiền tệ, mà doanh nghiệp lại chính là người nộp thuế cho ngân sách. Ông Ngân nhận định, đây là một áp lực lớn đối với Chính phủ trong giai đoạn tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để sử dụng TPCP hiệu quả, không gây áp lực lên nợ công, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư từ nguồn này, không để vốn vay nằm chờ nhưng lại chịu lãi suất vay. Chậm giải ngân ngày nào là tăng chi phí cho ngân sách nhà nước ngày đó.