VietinBank là một trong những doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu ra nước ngoài. Ảnh: Thành An |
Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ Thương - Techcom Securities (TCBS), công ty dẫn đầu thị trường về lĩnh vực tư vấn phát hành và giao dịch TPDN.
Ông đánh giá như thế nào về thị trường TPDN hiện nay và tiềm năng trong tương lai?
Tại Việt Nam, quy mô thị trường TPDN còn khá khiêm tốn khi mới chỉ đạt được khoảng 1 - 2% GDP, kém khá xa so với quy mô bình quân các thị trường trong khu vực (khoảng 20% GDP).
Vài năm qua, mức độ phổ biến và sự quan tâm của thị trường đối với TPDN đã gia tăng đáng kể, bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của các DN cũng như khối lượng phát hành TPDN ngày một cao hơn. Bên cạnh đó, TPDN đã không còn là sân chơi riêng của các nhà đầu tư tổ chức, mà đã trở thành một kênh đầu tư tiềm năng và an toàn với nhiều nhà đầu tư cá nhân.
Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có những định hướng và kế hoạch phát triển thị trường TPDN, trong vòng 3 - 5 năm tới phải tiến đến quy mô khoảng 8 - 10% GDP, tức là phát triển gấp 3 - 4 lần so với hiện nay. Thị trường TPDN vì vậy còn nhiều dư địa để phát triển.
Trên thực tế, giao dịch phát hành TP tại Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là phát hành riêng lẻ (private placement), do đó những vấn đề về công bố thông tin vẫn chưa được thực hiện theo những chuẩn mực cần có. Đó là một trong những nút thắt phải giải quyết để phát triển thị trường TPDN.
Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về việc phát hành TP của DN, trải qua 5 năm thực hiện, đã bộc lộ những độ vênh nhất định với thực tiễn. Các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính đã nhìn nhận được vấn đề này và đang khẩn trương phối hợp, lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất từ các bên để thực hiện bổ sung sửa đổi, theo hướng tạo điều kiện tốt hơn cho các DN để phát hành TP và bảo vệ quyền lợi và khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư. Đặc biệt, vấn đề công bố thông tin sẽ được quy định chặt chẽ và theo hướng tuân theo những chuẩn mực thị trường phù hợp.
TCBS được coi là một mình một chợ trong kênh phân phối TPDN cho khách hàng cá nhân. Miếng bánh thị phần hẳn sẽ không thể dành cho TCBS mãi được, thưa ông?
Chúng tôi đã triển khai một sản phẩm TPDN dành cho khách hàng cá nhân với mức đầu tư chỉ từ 200 triệu đồng trở lên có tên gọi là TCBond. Chỉ trong vài năm, đã có 4.000 khách hàng tham gia và 8.000 tỷ đồng trái phiếu TCBond được bán ra. Chắc chắn các tổ chức khác sẽ có những kế hoạch riêng để tận dụng “miếng bánh” này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là cơ hội mở rộng thị trường hơn là mối đe dọa với TCBS.
Nhìn thị trường TP, có cảm giác các DN đang khá e ngại. Ý kiến của ông thế nào?
Trước tiên phải khẳng định là các DN không ngại phát hành TP, vì họ nhận thức được những lợi ích mà hình thức huy động vốn này mang lại và cũng chờ đợi thời điểm thích hợp để thực hiện. Có nhiều DN lớn đã phát hành TP khối lượng lớn, như Vingroup, Masan, Vietcombank, Techcombank, ACB... Riêng TCBS năm 2016 vừa qua đã tham gia thu xếp, bảo lãnh phát hành cho các DN lớn với khối lượng hơn 20.000 tỷ đồng, một con số không nhỏ chứng tỏ nhu cầu và tiềm năng phát triển vô cùng lớn của thị trường TPDN.
Nhưng cũng phải thừa nhận là những quy định về điều kiện phát hành, cùng các thủ tục liên quan cũng vẫn còn những vướng mắc khiến các DN gặp nhiều khó khăn khi muốn phát hành TPDN.
Nhưng dường như chỉ các DN lớn mới “dám” phát hành TP?
Không phải tất cả, nhưng đúng là đa số DN phát hành TP là DN có quy mô vốn và tài sản lớn. DN lớn có nhu cầu huy động vốn cao, trong khi chỉ thông qua kênh tín dụng ngân hàng là không đủ. Ngoài ra, DN lớn cũng dễ dàng đáp ứng các quy định trong khung pháp lý về phát hành TP hơn những DN nhỏ và vừa.
Việc phát hành TP ra thị trường nước ngoài là một hành trình thậm chí còn phức tạp với thủ tục và các điều kiện đáp ứng khắc nghiệt hơn nhiều. Do đó, chỉ có một số rất ít DN của Việt Nam đã phát hành thành công TP ra nước ngoài, ví dụ như Vingroup hoặc VietinBank.