Ảnh minh họa. Ảnh Internet |
Tại Hội thảo “Dịch vụ thuế - nhân sự toàn cầu” (GES) khu vực Đông Nam Á năm 2016 với chủ đề “Quản lý việc tuân thủ và rủi ro khi điều động nhân sự toàn khu vực Đông Nam Á” diễn ra ngày 23/8/2016 tại TP.HCM, ông Thomas McClelland, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho rằng, việc luôn cập nhật và tìm hiểu các quy định mới về thuế tại Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á chính là chìa khóa giúp các nhà quản lý nhân sự đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các yêu cầu theo quy định ở cả trong nước và quốc gia nơi cá nhân đến làm việc, nhằm tránh những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp.
Lý do ông Thomas McClelland đưa ra nhận định trên là vì, đầu năm 2016, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức thành lập, bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động chiếm tỷ lệ gần 50%, khoảng 300 triệu người. Đặc biệt, ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%).
Bên cạnh đó, Tuyên bố chung của AEC đã quy định về một thị trường được xây dựng thông qua tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề.
Theo các chuyên gia trong dịch vụ nhân sự toàn cầu của Deloitte, Tuyên bố chung của AEC không chỉ mang đến nhiều cơ hội, mà còn mang đến cả những thách thức cho các nhà tuyển dụng Việt Nam trong việc tiếp cận với nguồn lao động có kỹ thuật của các nước thành viên AEC và ngược lại. Một trong những khó khăn trở ngại đó là sự thay đổi nhanh chóng về Luật Thuế và Luật Xuất nhập cảnh ở từng quốc gia gây ra những nguy cơ tiềm ẩn cho các nhà quản lý khi thực hiện các quy định đó.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, những kiến thức về Luật Thuế và Luật Xuất nhập cảnh trong lĩnh vực tuyển dụng và điều động nhân sự xuyên quốc gia, đặc biệt là nhân sự đến từ các quốc gia trong AEC, là rất cần thiết. Vì nếu các doanh nghiệp luôn cập nhật về những thay đổi của luật thuế và hiểu rõ những ảnh hưởng mà nó tác động đến cả người sử dụng lao động và người lao động được điều động sang quốc gia khác thì sẽ tránh xa được những rắc rối không đáng có liên quan đến các cơ quan thuế. Bởi ở nhiều quốc gia, việc trốn thuế, kê khai sai về thuế khi bị phát hiện không những bị phạt rất nặng, mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.