BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận ước tính quý II với kết quả khả quan |
BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trích lập đủ dự phòng rủi ro, các tỷ lệ an toàn hoạt động đáp ứng theo quy định. Hoạt động kinh doanh khối công ty con ổn định, tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 110 tỷ đồng, bám sát lộ trình thực hiện mục tiêu năm đề ra.
Trước đó, kết thúc quý I/2016, BIDV báo cáo kết quả với chi phí dự phòng rủi ro tăng đột biến gần 2 nghìn tỷ đồng, khiến BIDV chỉ còn hơn 2.077 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế là 1.682 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ.
Lý giải về mức tăng trưởng lợi nhuận tới 20% nửa đầu năm nay, BIDV cho biết là nhờ tín dụng cải thiện. Cụ thể, quy mô tín dụng và đầu tư của Ngân hàng đạt trên 836.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng đạt gần 657.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước và 6% so với đầu năm, phù hợp với nhịp độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng. Dự kiến đến hết quý II/2016, dư nợ tín dụng tăng trưởng 8-9% so với đầu năm 2016.
Theo kế hoạch cả năm 2016, BIDV xác định dư nợ tín dụng tăng trưởng 18%, phấn đấu đạt 20% trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận được BIDV đặt ở mức 7.900 tỷ đồng, tăng khá “khiêm tốn” so với năm 2015 (7.039 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).
Theo các chuyên gia ngân hàng, lợi nhuận của các nhà băng phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng, chiếm 75-80% tổng lợi nhuận, vì vậy kết quả quý II sẽ tiếp tục khả quan khi dự nợ đang tăng trưởng theo kịp mục tiêu mà cơ quan quản lý đề ra. Một số ngân hàng nhỏ thậm chí sẽ vượt khá tốt so với cùng kỳ năm 2015 nhờ tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt mức bình quân.
Trên thực tế, những con số báo cáo gần đây về kết quả quý I cho thấy, nhiều ngân hàng đã sớm đạt mức vượt cao so với cùng kỳ.
Trong nhóm ngân hàng lớn, ấn tượng nhất là VietinBank, kết thúc quý I/2016, ngân hàng ghi nhận con số 2.404 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.923 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 54% so với quý I/2015.
Mặc dù cho vay khách hàng tại Vietinbank đến hết quý 1/2016 đạt 553.392 tỷ đồng, chỉ tăng 2,8% nhưng thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 5.377 tỷ đồng, tăng trưởng tới 14,5% so cùng kỳ. Ngoài tín dụng, các hoạt động kinh doanh khác của VietinBank đều tăng trưởng khả quan: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 376 tỷ đồng, tăng trưởng 39%; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh gấp 6 lần lên 221 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đạt 31 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 43,2 tỷ đồng.
Với kết quả lợi nhuận đạt được mức khả quan nói trên, lãnh đạo Vietinbank kỳ vọng sẽ hoàn tất chỉ tiêu đề ra ở mức dự kiến đạt 7.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.
Một vấn đề còn tồn tại trong câu chuyện lợi nhuận của các ngân hàng chính là tồn đọng nợ xấu. Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết, trong quý I/2016, lợi nhuận trước trích lập của ACB đạt xấp xỉ 600 tỷ đồng, tuy nhiên do đã tạm trích lập 200 tỷ đồng cho nhóm 6 công ty con của “bầu” Kiên (G6) nên lợi nhuận còn lại của ACB trong quý đầu năm chỉ còn xấp xỉ 400 tỷ đồng.
Con số này không phải quá xấu cho năm 2016, vì theo kế hoạch đề ra cho năm 2016, ACB đặt mức lợi nhuận 1.503 tỷ đồng. Đây là con số mà lãnh đạo ACB cho rằng “sẽ đạt trong tầm tay”.
Về hoạt động kinh doanh cụ thể của ACB, tính đến ngày 31/3/2016, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt mức 6%, và tính đến ngày 7/4 là 7,2%. Mức khá tốt so với bình quân các ngân hàng cùng thời điểm.
Nhìn một cách tổng thể hoạt động tín dụng ở nhiều ngân hàng, theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, có sự chuyển biến khá tích cực trong những tháng đầu năm nay, từ đó tác động tốt đến lợi nhuận thu về trong 2 quý đầu năm và dự báo cho cả năm.
Số liệu thống kê của NHNN vừa đưa ra cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong 5 tháng đầu năm đạt 5,48%, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đều có dòng tín dụng tăng trưởng cao hơn. Cụ thể, tín dụng trên địa bàn TP. HCM 5 tháng đầu năm tăng 5%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua. Còn tại Hà Nội, 4 tháng đầu năm, tổng dư nợ trên địa bàn tăng 4,8% so cuối năm 2015.
Như vậy, 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất so với cùng kỳ vài năm gần đây. Điều này cộng với đặc thù tăng trưởng tín dụng của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các quý cuối năm nên việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 17-18% là khả thi, thậm chí dự báo còn đưa ra, mức tăng trưởng còn cao hơn.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, khả năng tăng trưởng tín dụng 2 quý cuối năm sẽ tăng trưởng hơn so với nửa đầu năm. Vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp luôn tăng cao trong những tháng cuối năm khi thời điểm kinh doanh vào mùa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, tín dụng sẽ tăng trưởng ồ ạt mà các ngân hàng luôn kiểm soát được rủi ro, hạn chế nợ xấu. Bởi nợ xấu tăng, đòi hỏi trích dự phòng cao sẽ “ăn” vào lợi nhuận. Dẫn đến, kết quả kinh doanh còn lại sau dự phòng sẽ sụt giảm.
So với các năm trước, chủ trương của các ngân hàng đưa ra năm nay là trích dự phòng ngay từ quý I đầu năm. Đó cũng là lý do khiến lợi nhuận một số nhà băng giảm trong quý này. Chẳng hạn tại Eximbank, chi phí dự phòng rủi ro tăng cao đột biến, chiếm 337 tỷ đồng, đã “bào mòn” mạnh lợi nhuận. Tổng lợi nhuận trước thuế trong kỳ chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng. Sau thuế, Eximbank ghi nhận 24 tỷ đồng, chỉ bằng 6% so với cùng kỳ năm trước (415 tỷ đồng). Theo giải trình của Eximbank, nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm là do từ năm 2016, theo định kỳ hàng quý, Eximbank phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trên cơ sở dồn tích.