Ảnh minh họa. |
Ngân sách gặp khó vì giá dầu sụt giảm
Ngân sách nhà nước năm 2015 đã có cú “lội ngược dòng” vào những tháng cuối năm nhờ thu đủ 39.000 tỷ đồng nợ thuế nội địa, bù phần hụt thu 31.000 tỷ đồng ngân sách trung ương từng công bố hồi tháng 11/2015.
Cụ thể, thu ngân sách năm 2015 đạt gần 957.000 tỷ đồng, tương đương 105% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 110,9% dự toán, thu dầu thô đạt 73,1% dự toán, thu từ xuất nhập khẩu đạt 98,2% dự toán.
Từ kết quả thu ngân sách kể trên, dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 785.000 tỷ đồng; thu dầu thô 54.500 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 172.000 tỷ đồng trên cơ sở số thu 270.000 tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng 98.000 tỷ đồng; thu viện trợ 3.000 tỷ đồng...
Điểm đáng lưu ý, trong dự toán thu ngân sách, thu dầu thô là 54.500 tỷ đồng trên cơ sở sản lượng 14,02 triệu tấn, giá bình quân 60 USD/thùng trong khi giá dầu thế giới từ đầu năm 2016 đến nay chỉ dao động trên dưới 30 USD/thùng, chưa bằng một nửa con số dự toán đưa ra.
Cụ thể, trong hơn 1 tháng đầu năm 2016, giá dầu đã có những biến động dữ dội. Phiên giao dịch thứ 6 (ngày 5/2) vừa qua giá dầu đã tiếp tục hạ sâu bởi chịu áp lực từ đồng USD mạnh và rủi ro nguồn cung dầu tăng mạnh. Giá dầu thô đến thời điểm này trên thị trường Mỹ đã giảm 8,1% còn tính từ đầu năm 2016 giá dầu đã giảm đến 17%.
Nếu đà giảm giá dầu còn tiếp tục thậm chí xuống 20 USD/thùng như dự báo Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra hồi tháng 11/2015, các mục tiêu ngân sách năm 2016 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh.
Cũng vào thời điểm này cách đây 1 năm, giá dầu trên thị trường thế giới cũng từng lao dốc không phanh, giảm sâu do với dự toán năm 2015 (100 USD/thùng) và nhiều chuyên gia đã tính toán, giá dầu giảm 1 USD ngân sách nhà nước hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính thời điểm này đã phải phân trần tại nhiều cuộc họp rằng đây chỉ là tính toán trên lý thuyết vì thực tế, giá dầu giảm kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn dự báo khi đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp gia tăng, doanh nghiệp đầu tư mở rộng hoạt động, kinh tế phát triển kéo theo ngân sách tăng thu, bù đắp phần hụt thu do giá dầu giảm.
Nhưng thực tế, cú “lội ngược dòng” của ngân sách năm 2015 đến từ việc cơ quan quản lý quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế với số thu lên đến 39.000 tỷ đồng và chỉ một phần thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển nhờ giá dầu giảm.
Kịch bản ứng phó
Để ứng phó với việc giảm thu ngân sách nhà nước do giá dầu thô giảm, giữ vững cân đối ngân sách nhà nước năm 2016, Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản điều hành ngân sách nhà nước theo các mức giá 50 USD, 40 USD và 30 USD/thùng.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, mặc dù giá dầu giảm gây khó cho ngân sách trung ương, nhưng bài học kinh nghiệm điều hành giá cả trong năm 2015, qua đó giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ là kinh nghiệm đắt giá trong năm 2016.
Theo đó, Bộ Tài chính xác định, tập trung triển khai các giải pháp tài chính ngân sách đã được đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 trong đó chú trọng tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu để bù đắp tối đa cho số giảm thu do tác động của dầu thô.
Đồng thời, quản lý điều hành chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, thị trường vốn, bảo hiểm, chứng khoán…