Tuyến đường trục Đông Tây (Sóc Trăng): Gọi tên nhà thầu chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo đánh giá của Chủ đầu tư, Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng (tuyến trục Đông Tây) hiện bị “hụt” tiến độ 10% so với kế hoạch. Cả 2 liên danh nhà thầu xây lắp đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số khó khăn đã được nhận diện từ lâu song khó tháo gỡ.
Giá trị giải ngân của Dự án tuyến đường trục Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng tính đến ngày 8/4/2024 đạt 2,6 tỷ đồng, bằng 0,9% kế hoạch vốn được bố trí năm 2024. Ảnh: Như Nguyệt
Giá trị giải ngân của Dự án tuyến đường trục Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng tính đến ngày 8/4/2024 đạt 2,6 tỷ đồng, bằng 0,9% kế hoạch vốn được bố trí năm 2024. Ảnh: Như Nguyệt

Tuyến trục Đông Tây là dự án thuộc nhóm A, có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025. Toàn tuyến có chiều dài 56,6 km, trong đó có 44 cầu giao thông.

Theo Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng (Chủ đầu tư), Dự án có 2 gói thầu xây lắp. Trong đó, Gói thầu số 8 (từ Km0+000 - Km29+300) có giá trị 755 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung đảm nhiệm; thời gian thi công 1.260 ngày kể từ ngày 15/4/2022. Gói thầu số 9 (từ Km29+300 - Km56+678) có giá trị 817,889 tỷ đồng, do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà - Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương thi công trong 1.260 ngày.

Tới đầu tháng 4/2024, các nhà thầu đã thực hiện công tác đào hạ nền đường, đắp cát nền đường K95 đạt 99% trên tổng chiều dài toàn tuyến. Công tác đắp cát nền đường K98 đạt 34,5 km, đạt 62%. Trong khi đó, công tác đắp cấp phối đá dăm 0x4 đạt 3,7 km (7% khối lượng hợp đồng), đắp cấp phối đá dăm 4X6 đạt 1 km (1,8%), láng nhựa mặt đường đạt 1 km (1,8%). Đối với hạng mục cầu, cống, các nhà thầu đang triển khai thi công 42 trên tổng số 44 cầu; 28 trên tổng số 50 cống… Giá trị xây lắp đến nay đạt khoảng 912,2 tỷ đồng, bằng 58% giá trị hợp đồng (1.572,9 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Chủ đầu tư, tiến độ xây dựng tuyến trục Đông Tây hiện chậm 10% so với kế hoạch. Cả 10 nhà thầu tham gia Dự án (bao gồm nhà thầu phụ) đều chậm tiến độ ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, Công ty CP Xây dựng công trình Trường Lộc chậm 23%, Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung chậm 17%, Công ty CP Xây dựng Tân Nam chậm 16%, Công ty TNHH Trung Vỉnh chậm 13%, Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Sông Hậu chậm 12%, Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương chậm 7%, Công ty CP Xây dựng giao thông Sóc Trăng chậm 7%... Do thi công chậm nên Dự án đang đối mặt với áp lực giải ngân vốn. Năm 2024, Dự án được bố trí 264,5 tỷ đồng, giá trị giải ngân tính đến 8/4/2024 đạt vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng, bằng 0,9% kế hoạch.

Theo tìm hiểu, tiến độ thi công chậm do nguồn cát san lấp khan hiếm đẩy đơn giá lên cao, các nhà thầu khó tìm nguồn cung cấp. Mặt khác, do đặc thù Dự án đi qua vùng đất thấp, nhiều đoạn ngập nước và địa hình bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, hạ tầng đường bộ không đáp ứng cho xe cơ giới tải trọng lớn lưu thông nên nhà thầu gặp nhiều trở ngại trong khâu vận chuyển, tập kết vật tư, thiết bị, máy móc. Một nguyên nhân nữa là công tác giải phóng mặt bằng chậm, bàn giao mặt bằng ngắt quãng nên các nhà thầu khó bố trí phương án thi công. Hiện nay, vẫn còn một số vị trí chưa được bàn giao mặt bằng (TX. Ngã Năm vướng 2 hộ dân, TX. Vĩnh Châu vướng 23 hộ dân).

Đáng chú ý, tiến độ thi công tuyến trục Đông Tây chậm có nguyên nhân chủ quan từ phía nhà thầu. Trong báo cáo mới nhất, Ban Quản lý dự án 2 đánh giá, nhà thầu chưa quyết liệt triển khai thi công. Trong đó, Công ty CP Xây dựng Tân Nam còn hụt khoảng 95 nghìn m3 công tác đắp cát nền đường, công tác xử lý nền đất yếu rất chậm và hiện mới đắp gia tải được 3 trên tổng số 12 cầu. Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung còn hụt khoảng 22 nghìn m3 công tác đắp nền, lắp đặt dầm được 2 trên tổng số 10 cầu, công tác xử lý nền đất yếu rất chậm, mới đắp gia tải được 3 trên 10 cầu. Công ty CP Xây dựng công trình Trường Lộc phụ trách thi công cầu Cổ Cò (cầu lớn nhất trong 44 cầu thuộc Dự án), cam kết thông xe kỹ thuật vào tháng 8/2024, nhưng đến nay vẫn chưa khoan cọc 5 trụ và 1 mố cầu. Khâu cung ứng vật tư của các nhà thầu không kịp thời, thiếu nhiều mũi bơm cát san nền, cung cấp không liên tục.

Mới đây, các nhà thầu thi công tuyến trục Đông Tây đã cam kết, từ đầu tháng 4 đến tháng 12/2024 thực hiện tổng khối lượng là 455,47 tỷ đồng, trong đó có phân tách khối lượng thi công theo các mốc thời gian kỳ cuối các tháng 6, 9 và 12.

Chủ đầu tư đang đốc thúc các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng cường thêm các mũi thi công, huy động các nguồn cung ứng vật tư để kịp thời đáp ứng tiến độ. Đối với các hạng mục chậm tiến độ, hạng mục xử lý nền đất yếu, xử lý nền đường vào các cầu, Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu dồn lực thi công để đảm bảo đồng bộ, kịp thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2024, đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, sẽ kiểm tra, đánh giá tiến độ hàng tuần, có biện pháp xử lý cương quyết đối với các nhà thầu không đáp ứng tiến độ.

Tin cùng chuyên mục