Tỷ giá bớt ám ảnh với doanh nghiệp vay ngoại tệ

Đối với các DN có nguồn vay lớn bằng ngoại tệ thì biến động tỷ giá là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Tỷ giá năm 2016 đang được đánh giá là khó dự báo, nhưng bớt ám ảnh hơn.
Diễn biến đồng USD đang gây bất lợi cho ngành vận tải biển, do có các khoản vay ngoại tệ khá lớn
Diễn biến đồng USD đang gây bất lợi cho ngành vận tải biển, do có các khoản vay ngoại tệ khá lớn

Những DN vay nhiều ngoại tệ

Một số DN vay nợ lớn bằng đồng EUR như Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), Xi măng Bỉm Sơn (BCC)…, thì biến động tăng tỷ giá VND/EUR từ quý II/2015 đã tác động đến kết quả kinh doanh cả năm 2015 của các DN này. 

Cụ thể, nếu biến động giảm của đồng EUR đã đem lại lãi chênh lệch tỷ giá 183 tỷ đồng cho HT1 trong quý đầu tiên của năm 2015, thì 3 quý còn lại, HT1 phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá do ngoại tệ này tăng giá trở lại. Trong đó, quý II/2015, Công ty hạch toán lỗ tỷ giá 72 tỷ đồng, quý III/2015 lỗ 181 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, do hoạt động tiêu thu xi măng của HT1 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014, nên tính chung cả năm 2015, lợi nhuận của HT1 vẫn vượt khá xa kế hoạch (9 tháng đầu năm 2015, HT1 đạt 685 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi kế hoạch cả năm là 367 tỷ đồng). 

Tính đến thời điểm cuối năm 2015, tổng dư nợ vay dài hạn của HT1 vào khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay bằng EUR khoảng 55 triệu EUR. Có thể thấy, kết quả kinh doanh trong thời gian tới của HT1 vẫn sẽ chịu tác động từ biến động tỷ giá VND/EUR. 

Đối với BCC, Công ty đang có khoản nợ vay dài hạn trên 50 triệu EUR. Diễn biến giảm giá của đồng EUR trong năm 2014 giúp BCC ghi nhận lãi lớn, nhưng xu hướng tăng của đồng tiền này trong năm 2015 đã tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Công ty. 

Tỷ giá JPY/VND cũng biến động mạnh. Năm 2015, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) dự báo lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh so với năm 2014 do sự thay đổi của tỷ giá VND/JPY. Tính riêng trong quý III/2015, chi phí tài chính của PPC tăng lên 244 tỷ đồng, chủ yếu là khoản lỗ 214 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá. Quý IV/2015, dù chưa công bố con số cụ thể, nhưng PPC ước ghi nhận khoản lỗ chênh lệnh tỷ giá VND/JPY xấp xỉ 200 tỷ đồng.

Lãnh đạo PPC chia sẻ, tỷ giá VND/JPY tiếp tục dự báo có những biến động khó lường, nên Công ty sẽ cân nhắc kỹ khi đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2016. 

Cơ chế biến động USD theo ngày giúp DN chủ động hơn 

Một số DN đang có khoản vay lớn bằng USD như VOS, VNA, NT2… dự báo sẽ bị ảnh hưởng nếu đồng USD tiếp tục tăng trong năm 2016. 

Diễn biến tỷ giá hiện nay nhìn chung đang gây bất lợi cho ngành vận tải biển, do các khoản vay bằng ngoại tệ, chủ yếu là bằng đồng USD khá lớn. Theo CTCK Maybank KimEng, các công ty vận tải biển có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân đang ở mức 0,87 lần, có công ty lên đến 3,7 lần. Các công ty có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao có thể kể đến là VOS (2,2 lần), VNA (3,7 lần), PVT (1,2 lần)… 

Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT) ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2015 tương đối khả quan với 500 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất. Tuy nhiên, PVT là DN có lượng vay vốn ngoại tệ tính đến thời điểm cuối năm 2015 là 100 triệu USD, nên khó tránh khỏi ảnh hưởng từ việc USD tăng giá, mức lỗ tỷ giá năm 2015 ước khoảng 140 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, các hợp đồng về tiền cước phí mà PVT thực hiện vận chuyển được ký trong hợp đồng là bằng đồng USD, nên nguồn tiền thu về cũng bằng USD. Chính vì vậy, sẽ có sự cân bằng giữa dư nợ và dòng tiền, nên PVT dự báo, trong 3 năm tới sẽ trả hết khoản nợ vay nêu trên. 

Đáng chú ý, từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành chính sách tỷ giá VND/USD theo cơ chế biến động theo ngày. Ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVT cho rằng, việc này sẽ có lợi đối với những DN có nguồn thu bằng ngoại tệ.

CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) có khoản vay bằng ngoại tệ lớn, song nguồn thu của PVD hiện tại chủ yếu cũng bằng đồng USD, nên có sự cân bằng. 

Liên quan đến vấn đề điều hành tỷ giá, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, cần tôn trọng quy luật cung cầu tự nhiên của thị trường, nhưng vẫn cần có phương án phòng vệ những yếu tố cung cầu bất thường trong ngắn hạn để tránh tổn thương cho nền kinh tế. 

Các công tác dự báo cần được tăng cường cùng với các biện pháp phòng vệ quyết liệt trong bối cảnh thị trường tiền tệ nhiều khả năng sẽ có biến động mạnh trong năm 2016, với việc Fed đang trong lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ trong khi đồng nhân dân tệ được dự đoán tiếp tục sụt giảm đi kèm với đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. 

Lãnh đạo nhiều DN cho biết, tỷ giá USD/VND trong năm 2016 dự báo tiếp tục có những biến động, nhưng với cơ chế mới về tỷ giá biến động theo ngày, DN sẽ được chủ động hơn trong việc đưa ra quyết định liên quan đến ngoại tệ trong các hoạt động hàng ngày của DN. 

Tin cùng chuyên mục