Dự trữ ngoại hối năm 2018 dự kiến đạt khoảng 70 tỷ USD giúp tăng khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài. Ảnh: Tiên Giang |
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không cần phải quá quan ngại vì việc tỷ giá tăng vẫn trong tầm kiểm soát.
Liên tục tăng “nóng”
Những ngày gần đây, tỷ giá USD/VND đang làm “nóng" thị trường khi 1 USD bằng 23.000 VND trên thị trường tự do.
Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, giá USD sáng 28/6 biến động nhẹ. Cụ thể, lúc 9h00, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.900 - 22.970 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 5 đồng so với cùng thời điểm sáng 27/6.
Cùng thời điểm, BIDV cũng niêm yết giá USD ở mức 22.905 - 22.975 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 15 đồng so với sáng 27/6. Trong khi đó, tại Techcombank, giá đồng bạc xanh được ngân hàng này niêm yết ở mức 22.880 - 22.980 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng ở cả hai chiều so với sáng 27/6.
Tỷ giá trung tâm giữa VND và USD sáng 28/6 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.655 VND, tăng 15 đồng so với sáng 27/6.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày 28/6 là 23.334 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.976 VND/USD.
Lý giải cho tình trạng này, TS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight cho biết, trong vài năm gần đây, NHNN đã chuyển sang điều chỉnh tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm. Cơ chế này bị chi phối mạnh bởi các đồng tiền lớn, trong đó có USD. “Mới đây, FED quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, trong khi đó, Chủ tịch FED cũng tuyên bố có thể tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2018 và 2 đến 3 lần trong năm 2019. Chủ trương đó phát tín hiệu USD sẽ tiếp tục mạnh lên, đạt mục tiêu đến năm 2020 lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ vượt hơn 3%/năm... Điều đó đã gây áp lực rất lớn lên tỷ giá trung tâm trong thời gian vừa qua” - TS Tín nói.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, tỷ giá tăng còn do đây là thời điểm các doanh nghiệp nước ngoài rút tiền để đầu tư cho các kế hoạch cuối năm của họ...
Nhưng... vẫn trong giới hạn 1,5 - 2%
Tuy nhiên, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, chúng ta không cần phải quá quan ngại vì việc tỷ giá tăng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam khá ổn định, chính sách tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh linh hoạt. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối năm 2018 dự kiến đạt khoảng 70 tỷ USD, đây là con số đáng khích lệ, giúp tăng khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.
TS Bùi Quang Tín cũng cho rằng, chúng ta có đủ lực để điều hành tỷ giá giảm trong mức dự kiến bởi thanh khoản USD dồi dào, dự trữ ngoại hối đến hết tháng 4 đã lên tới hơn 63 tỷ USD. Trong khi đó, chúng ta cũng còn nhiều chính sách, căn cứ hỗ trợ để VND chỉ mất từ 1,5-2% trong năm nay nhằm giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất, lạm phát đạt được mục tiêu đề ra là 4%.
“Năm nay, chúng ta sẽ cổ phần hóa một loạt doanh nghiệp nhà nước. Dự báo, việc cổ phần hóa sẽ giúp thu về khoản tiền từ 40 đến 50 tỷ USD năm 2018. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, bất động sản cũng là nguồn ngoại hối vô cùng quan trọng” - TS Tín cho biết thêm.
CEO Trường Doanh nhân BizLight cũng cho rằng, chúng ta không loại trừ những biến động quá sốc như lãi suất đồng USD tăng mạnh hơn so với dự báo, thay vì tăng 4 lần FED sẽ tăng lãi suất 5, 6 lần, hay mỗi lần thay vì tăng 0,25 điểm %, FED sẽ tăng 0,5 điểm %, 0,75 điểm % thì tỷ lệ mất giá của VND có thể vượt mức 2%.
Tuy nhiên, TS Tín khẳng định, với tình hình hiện nay, đến cuối năm tỷ giá sẽ chỉ tăng 1,5 - 2% như dự báo và vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Cũng có nhiều quan ngại về những rủi ro khiến VND mất giá mạnh hơn dự báo. Các chuyên gia tại Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn chứng, theo nghiên cứu từ Moody’s, Việt Nam xếp thứ 4 trong danh sách các nước châu Á tiềm ẩn rủi ro nợ nước ngoài cao nhất. Chỉ số tổn thương của Việt Nam, tính bằng tỷ lệ giữa tổng khoản nợ nước ngoài ngắn hạn, khoản nợ nước ngoài dài hạn đến hạn và tiền gửi của người nước ngoài với kỳ hạn trên 1 năm so với tổng dự trữ ngoại hối quốc gia, đạt 50,9%. Do đó, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt sẽ khiến chi phí trả nợ nước ngoài của quốc gia trở nên đắt đỏ hơn.
Bên cạnh đó, khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể, hiện tại tương đương 27% tổng dự trữ ngoại hối, cũng là vấn đề đáng quan tâm. Vào năm 2009, giá trị khoản mục này lên tới 12,8 tỷ USD và đây có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ giá bật tăng mạnh trong 2 năm sau đó...
Mặc dù vậy, các chuyên gia tại VDSC khẳng định, việc VND giảm giá vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN.