Lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam đang rất cần nguồn vốn, kỹ năng quản trị và kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tâm An |
Đây là ý kiến của đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP.
Hút vốn nước ngoài, đẩy mạnh phát triển DN trong nước
Trên cơ sở tham khảo các quy định hiện hành liên quan đến tỷ lệ sở hữu vốn, Ban soạn thảo quy định tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp) là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép cung ứng dịch vụ.
Theo Ban soạn thảo, quy định này nhằm tạo thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước. Quan trọng hơn là để bảo đảm an ninh, an toàn, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, thị trường trung gian thanh toán được dự báo có nhiều tiềm năng phát triển, bởi vậy việc tạo môi trường kinh doanh vì lợi ích quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp trong nước là thực sự cần thiết. Do đó, cơ quan quản lý chuyên ngành cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước nắm bắt được cơ hội, chủ động trong hoạt động kinh doanh.
“Các trung gian thanh toán hiện nay rất cần nguồn vốn nước ngoài để phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ vốn góp là điểm mấu chốt để các nhà đầu tư quyết định bỏ vốn, do đó, cần hết sức cân nhắc mức hợp lý để thu hút nguồn vốn nước ngoài vào lĩnh vực này”, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) bày tỏ quan điểm.
Ông Đặng Thanh Sơn, Luật sư thành viên của Công ty Baker McKenzie Việt Nam cho rằng cần xem xét thận trọng, đầy đủ để tránh nguy cơ bị khiếu kiện liên quan đến vi phạm các cam kết quốc tế tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại song phương.
“Bên cạnh đó, chúng ta cần mở cửa thị trường này để học hỏi và phát triển mạnh mẽ trong cuộc đua cam go hiện nay. Lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam đang rất cần không chỉ vốn mà còn cả kỹ năng quản trị, kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Sơn nhận xét.
Không vi phạm cam kết quốc tế
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, việc đưa ra tỷ lệ này đã dựa trên tham vấn bộ phận pháp lý của NHNN, ý kiến của Bộ Công Thương (cơ quan chủ trì việc tham gia và thực thi các cam kết quốc tế tại các hiệp định thương mại). Theo đó, dịch vụ trung gian thanh toán chưa cam kết trong Biểu cam kết với WTO và CPTPP.
Mặt khác, vị đại diện NHNN cho biết, tỷ lệ này được đưa ra trên cơ sở cân nhắc rất nhiều yếu tố, bao gồm cả việc hài hòa ý kiến của nhiều bên. Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất tỷ lệ này chỉ ở mức 30%. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh công nghệ tài chính và qua tham khảo cách quản lý của nhiều nước khác, Ban soạn thảo đã nâng lên mức 49%.
Một số quốc gia không quy định giới hạn tỷ lệ này nhưng lại không cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, hoặc có các quy định quản lý khác như yêu cầu phải đặt dữ liệu người dùng trong nước hay các quy định khắt khe hơn về bảo mật thông tin người dùng.
“Việt Nam không quá bảo thủ trong khuyến khích phát triển lĩnh vực trung gian thanh toán, chúng tôi tiếp tục lắng nghe ý kiến của các bên tham gia thị trường để có thể đưa ra quy định hợp lý nhất. Dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực này là đáng trân trọng, song các quy định cần hài hòa với thực tiễn hoạt động của thị trường”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại diện NHNN, Ban soạn thảo cũng đã tính đến lộ trình thực hiện để các trung gian thanh toán, các thành viên tham gia thị trường (bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước) có thời gian chuẩn bị cho các giải pháp phù hợp nhất.