Dịch covid-19 có thể là cơ hội tốt để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi, phát triển ngân hàng số. Ảnh: Lê Tiên |
Báo cáo chiến lược đầu tư vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố nêu rõ, tác động của dịch Covid-19 dự kiến làm giảm tăng trưởng tín dụng 2 - 3 điểm phần trăm so với năm 2019. Các tổ chức tín dụng sẽ khó tăng tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) bởi 2 lý do. Đó là việc thực hiện chủ trương miễn, giảm lãi suất của Chính phủ (dù được bù lại một phần từ chính sách giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước) và tăng cường trích lập dự phòng (dù chất lượng tài sản có thể chưa xấu đi ngay do nợ chưa bị chuyển nhóm).
Ngoài ra, dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến thu nhập dịch vụ do giảm phí giao dịch và gặp khó khăn hơn khi muốn bán chéo các sản phẩm. Tuy nhiên, chi phí thanh toán liên ngân hàng cũng giảm và nhu cầu bảo hiểm nhân thọ tăng nên dự kiến tác động chung lên thu nhập dịch vụ không quá lớn.
Ở góc độ khác, kết quả nghiên cứu kinh tế quý I của Công ty Chứng khoán SSI dự báo ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm nhiều khả năng không duy trì được đà tăng trưởng như quý I khi các hoạt động kinh tế chậm lại và việc cách ly, hạn chế tập trung đông người được áp dụng rộng rãi. Kết quả nghiên cứu này cũng đưa ra khuyến nghị là song song với kiểm soát dịch bệnh, một trong những việc cần tiếp tục thực hiện là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém.
Trong khi đó, một nghiên cứu vừa công bố của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra một số giải pháp đáng chú ý với các tổ chức tín dụng về việc tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, các ngân hàng cần phát triển ngay các gói sản phẩm chuyên biệt cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp trong các ngành đang có các lợi thế tương đối trong đại dịch Covid-19 như: kinh doanh online, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt. Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm tín dụng ngắn hạn chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động của Covid-19 như tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh. Thêm vào đó, tăng cường phát triển thanh toán Internet banking và mobile banking, đảm bảo an toàn cho các giao dịch.
Đồng thời, dịch bệnh còn là thời cơ giúp ban lãnh đạo nhìn nhận lại các chính sách đối phó rủi ro, chủ động điều chỉnh hoặc xây dựng lại các kịch bản có thể gặp phải, từ đó hình thành các phương án đối phó hiệu quả hơn
Theo ý kiến của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, việc thực hiện các giải pháp phát triển thị trường, đặc biệt là chiến lược ngân hàng số luôn được các ngân hàng xác định tại các chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Ở giai đoạn dịch bệnh này, các giải pháp đó càng được chú trọng đẩy mạnh hơn. Ngân hàng không làm không được vì hiện tại khách hàng rất hạn chế đến quầy giao dịch và dài hạn, đó cũng là mục tiêu ngân hàng hiện đại muốn hướng tới.
“Sau khi các doanh nghiệp chịu tác động sẽ đến lượt các ngân hàng. Do đó, bên cạnh nỗ lực tự thân, các ngân hàng cũng cần được hưởng các chính sách hỗ trợ tương đương như doanh nghiệp. Rất mừng là các cơ quan chức năng đã tiếp thu ý kiến của ngành ngân hàng để đưa các tổ chức tín dụng vào nhóm đối tượng được chậm nộp thuế và tiền thuê đất. Đó là động thái chính sách tích cực trong thời điểm hiện nay”, ông Lực nhấn mạnh.