Ưu đãi thuế để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(BĐT) - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) xuống còn 17%. Theo Bộ này, chính sách hỗ trợ về thuế không ảnh hưởng quá nhiều đến số thu ngân sách.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nhiều nước có chính sách ưu đãi thuế với DNNVV

Theo Bộ Tài chính, chính sách hỗ trợ về thuế là công cụ thường được các nước sử dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển DNNVV. Nhiều nước có quy định DNNVV được áp dụng thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông như: Singapore áp dụng thuế suất phổ thông là 17%, trong đó giai đoạn 2016 - 2017 giảm 50% số thuế TNDN phải nộp nhưng tối đa không quá 20.000 SGD/năm với điều kiện DN có doanh thu bán hàng hàng năm dưới 100 triệu SGD hoặc sử dụng dưới 200 lao động.

Malaysia áp dụng thuế suất 19% đối với 500.000 RM thu nhập chịu thuế đầu tiên, trong khi thuế suất phổ thông là 24%. Hà Lan quy định DN có thu nhập chịu thuế lớn hơn 200.000 EUR thì áp dụng thuế suất 20% đối với 200.000 EUR thu nhập chịu thuế đầu tiên và 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 200.000 EUR.

Một đại diện của Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính nhận định, để việc hỗ trợ DNNVV được khả thi trong thực hiện thì chính sách thuế cũng là một trong các công cụ cần tính tới. Thực tế, ưu đãi về thuế đối với DNNVV đã được áp dụng trong giai đoạn từ 1/7/2013 đến hết năm 2015, nhưng từ 1/1/2016, DNNVV áp dụng thuế suất 20% như các DN khác. 

Không tác động lớn đến thu ngân sách nhà nước

Trong Dự thảo mới nhất Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất phổ thông đối với DNNVV xuống còn 17% áp dụng trong thời hạn tối đa 4 năm (giai đoạn 2017 - 2020). Mức này bằng với thuế suất ưu đãi 17% áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và theo thuế suất này thì mức độ khuyến khích đối với DNNVV thậm chí còn cao hơn giai đoạn 2014 - 2015.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất phổ thông đối với DNNVV xuống còn 17% trong giai đoạn 2017 - 2020 vừa đảm bảo sự khuyến khích đối với DNNVV, vừa không ảnh hưởng nhiều tới số thu ngân sách nhà nước (NSNN) do số lượng DNNVV chiếm phần lớn trong nền kinh tế nhưng tỷ trọng đóng góp vào NSNN về thuế TNDN lại nhỏ. Tính toán từ số liệu DN của năm 2015, Bộ Tài chính cho biết, nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng thì số lượng DN này mặc dù chiếm đến 86,2% nhưng số thu về thuế TNDN chỉ có 2.746 tỷ đồng; mức giảm thu ngân sách khoảng 473 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục