Vẫn chưa hết khó với hỗ trợ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau hơn 4 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Việc hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 16 nghìn tỷ đồng trong năm nay được dự báo là không dễ dàng.
Đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất khoảng 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng. Ảnh: Việt Trần
Đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất khoảng 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng. Ảnh: Việt Trần

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ở thời điểm hiện nay, với bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, tỷ suất lợi nhuận kinh doanh thấp, nên các phương án kinh doanh của doanh nghiệp càng khó tiếp cận với vốn vay từ các ngân hàng.

“Đối với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2%, hiện Vinatex mới tiếp cận được khoảng 140 tỷ đồng nguồn vốn gốc. Có một phần khách quan là chúng tôi vay vốn lưu động bằng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu nên không tiếp cận được chính sách giảm lãi suất này. Chúng tôi đề nghị cân nhắc, xem xét nếu được sự hỗ trợ lãi suất trong khoản vay ngắn hạn mua nguyên liệu bằng ngoại tệ sẽ góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn hiện nay”, ông Hiếu nói.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có kiến nghị về việc tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Trong đó, một trong những giải pháp được VCCI đề xuất là cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực sự phát huy hiệu quả. Bởi theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi do các điều kiện để vay vốn chưa phù hợp với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Liên quan nội dung này, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT hướng dẫn thực hiện nghị định này; văn bản giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh triển khai chính sách.

Trên cơ sở đề xuất của các NHTM, NHNN đã đăng ký dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, 2023 thực hiện hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2022 là 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng. NHNN đã thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng NHTM để sớm triển khai. Đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất khoảng 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 9.820 tỷ đồng.

Đồng thời, NHNN cũng tổ chức nhiều hội nghị triển khai gói hỗ trợ lãi suất, yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh rà soát, tiếp cận, nắm bắt thông tin, tiếp nhận nhu cầu của khách hàng để triển khai hỗ trợ lãi suất; thiết lập đường dây nóng và tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các hội nghị chuyên đề về hỗ trợ lãi suất.

NHNN cũng có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan để thống nhất cách hiểu và nắm bắt những khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách này.

Đến nay, 59/63 tỉnh, thành đã ghi nhận có các khoản vay có hỗ trợ lãi suất; 63/63 chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh theo chỉ đạo của NHNN; 15/63 chi nhánh NHNN đã phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, địa phương tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp...

Tại các NHTM, 16/44 ngân hàng phát sinh dư nợ có hỗ trợ lãi suất, chủ yếu ở các nhóm ngành có thỏa thuận cho vay từ 1/1/2022 và có trả lãi trong tháng 5/2022 khoảng 800 nghìn tỷ đồng. Từ thực tế nhu cầu và hấp thụ chính sách hỗ trợ lãi suất, nhất là dư nợ hiện hữu, NHNN đã có văn bản đề nghị các NHTM báo cáo kết quả triển khai và rà soát khách hàng để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, khả năng hỗ trợ dự kiến…

Để đạt được những mục tiêu, hiệu quả chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị toàn ngành ngân hàng tiếp tục làm việc nghiêm túc, hết trách nhiệm bằng tất cả các biện pháp có thể. Phó Thống đốc yêu cầu, chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt mục tiêu, nhiệm vụ chỉ đạo tại Thông tư 03 của NHNN; phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách để kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, khả năng tiếp cận chính sách của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn; chủ động báo cáo chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất trên địa bàn. Rà soát các khoản vay hiện hữu có thể hỗ trợ lãi suất để triển khai; tiếp tục duy trì hoạt động của đường dây nóng, kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vướng mắc của chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đến Hội sở chính.

Tin cùng chuyên mục