Vẫn còn nhiều trở ngại thanh toán không dùng tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong thương mại điện tử sẽ đạt 50%. Đây là một thách thức không nhỏ, bởi tuy gần 40% số dân Việt Nam hiện có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng
Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng

Thanh toán qua thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng mạnh

Theo thông tin được ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cung cấp tại Diễn đàn thúc đẩy TTKDTM trong doanh nghiệp diễn ra ngày 26/8 tại Hà Nội, sau 4 năm triển khai, việc TTKDTM đã đạt được một số kết quả tịch cực về phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán, thanh toán dịch vụ hành chính công.

Về cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử, trong 6 tháng đầu năm 2020, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tính đến cuối tháng 6/2020, toàn quốc có hơn 19.570 máy ATM và 266.310 POS (tăng tương ứng 4,4% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2019). Cũng bắt đầu từ tháng 6/2020, một kênh chuyển tiền nhanh liên ngân hàng nữa chính thức được vận hành - hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH).

Cùng với đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới liên tục xuất hiện, ngày càng phổ cập trong cuộc sống như: chuyển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như chuyển tiền trực tuyến 24x7 qua Mobile banking, thanh toán hóa đơn, mua hàng, đặt dịch vụ trực tuyến qua ứng dụng Mobile banking/Ví điện tử hay thanh toán tại cửa hàng/trên Website bán hàng qua mã QR... Tính đến cuối tháng 6 năm 2020 đã đạt khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019). Hiện có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 TCCƯDVTT thực hiện qua điện thoại di động.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng (tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch qua kênh ĐTDĐ đạt hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 178% và 177% so cùng kỳ năm 2019). Đặc biệt, giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.

Dịch vụ thanh toán thẻ tiếp tục được các ngân hàng quan tâm phát triển, đạt mức 106 triệu thẻ đang lưu hành (tăng khoảng 14,5 % so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 171 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng 399 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 20,9% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2019).

30 ngân hàng đang triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 70.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Việc thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, thanh toán trực tuyến dịch vụ hành chính công cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Hệ thống TTĐTLNH đã được kết nối với toàn bộ 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời. Khoảng 50 ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước, với 95% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán, thu qua qua ngân hàng, TGTT lên tới gần 90%.

Bất cập trong thanh toán không dùng tiền mặt

Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận như vậy, nhưng ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, TTKDTM ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, tỷ lệ giao dịch sử dụng tiền mặt còn cao. Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Ở góc độ doanh nghiệp, việc TTKDTM ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu nhưng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mực.

Hơn nữa, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTKDTM ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, do vậy, vừa lãng phí lại không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng.

Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng theo đại diện VCCI, hiện vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến TTKDTM ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi; nhất là khối doanh nghiệp. Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo...

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù có cơ sở hạ tầng để thực hiện việc TTKDTM (Việt Nam có 136 triệu điện thoại di động, trong đó có 60 triệu thuê bao di động có băng tần rộng), nhưng người dân vẫn tiếp tục có thói quen tiêu tiền mặt. Thứ nữa là việc bảo mật thông tin của Việt Nam còn nhiều thiếu sót...

Để thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, thứ nhất là phải có quy định cụ thể về pháp luật, liên quan đến tất cả những nhà cung cấp TTKDTM, bất kể là họ sử dụng những công cụ, công nghệ thông tin nào. Thứ hai là chúng ta phải có quy định về những loại thanh toán nào bắt buộc phải sử dụng phương thức TTKDTM, chẳng hạn như nộp thuế, trả phí và lệ phí (bệnh viện...). Thứ ba là phải có một chương trình giáo dục quốc gia để cho tất cả mọi người hiểu được lợi ích của việc không dùng tiền mặt và những tác động tiêu cực nếu tiếp tục dùng tiền mặt để thanh toán, từ đó thoát khỏi tâm lý lúc nào cũng phải có tiền mặt trong túi.

Ngoài việc rà soát lại các quy định pháp lý để hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế và chính sách, theo ThS. Nguyễn Thị Hải Bình - Viện Chiến Lược và Chính sách tài chính cho rằng, NHNN cần cho phép NHTM tra cứu thông tin tờ khai hải quan; cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời nghiên cứu các chính sách hỗ trợ thuế để khuyến khích TTKDTM cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh nhỏ lẻ...

Tiếp thu những phản ánh và khuyến nghị này, ông Dũng cho biết, NHNN đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế các Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM, nhằm quy định rõ bản chất của các phương tiện thanh toán (trong đó có tiền điện tử); quy định quản lý các hoạt động thanh toán xuyên biên giới; bổ sung làm rõ hơn các điều kiện cung ứng dịch vụ TGTT, các hành vi vi phạm; quy định mới về hoạt động đại lý thanh toán.

Tin cùng chuyên mục