Vấn nạn làm giả biên bản thử nghiệm thiết bị điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo phản ánh của một số chủ đầu tư, nhà thầu và tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, tình trạng làm giả tài liệu, hồ sơ để dự thầu trong lĩnh vực thiết bị điện đang diễn biến phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của một số nhà thầu/nhà sản xuất thiết bị điện cũng như hiệu quả công tác đấu thầu.
Hàng năm có rất nhiều gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị điện được mời thầu. Ảnh: Lê Tiên
Hàng năm có rất nhiều gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị điện được mời thầu. Ảnh: Lê Tiên

Từ vật tư, thiết bị nhập khẩu…

Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), trong quá trình triển khai công tác mua sắm vật tư thiết bị phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc, EVNCPC nhận được một số phản ánh về tình trạng làm giả hồ sơ, tài liệu. Trong đó, nổi bật là việc làm giả các biên bản thử nghiệm đối với sản phẩm chống sét van của nhà sản xuất Polipar (xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ), sản phẩm cầu chì tự rơi (FCO)/cầu chì cắt có tải (LBFCO) của nhà sản xuất Eswari (xuất xứ Ấn Độ).

Cụ thể, khi chào thầu các sản phẩm nêu trên, một số nhà thầu sử dụng các biên bản thử nghiệm điển hình. EVNCPC đã thực hiện xác minh với các phòng thử nghiệm EGU HV, CESI, CPRI và được các phòng thử nghiệm này xác nhận tình trạng một số biên bản thử nghiệm được đính kèm các hồ sơ dự thầu (HSDT) thời gian qua không phải do các phòng thử nghiệm này phát hành.

Có thể kể đến các biên bản thử nghiệm của Phòng thử nghiệm EGU HV đối với sản phẩm chống sét van của nhà sản xuất Polipar như: Biên bản thử nghiệm số 10339/C/15 ngày 10 - 14/12/2015 thử nghiệm độ bền cách điện; Biên bản thử nghiệm số 10340/C/15 ngày 10 - 14/12/2015 thử nghiệm các hạng mục: điện áp dư, dòng xung, chu kỳ vận hành, phóng điện cục bộ; Biên bản thử nghiệm số 10327/A/15 ngày 23/10/2015 đến 12/1/2016 thử nghiệm các hạng mục: độ cứng vỏ cách điện, lão hóa thời tiết, chống cháy.

Đối với thiết bị của nhà sản xuất Eswari, Biên bản thử nghiệm CESI (thử nghiệm lão hóa thời tiết chống cháy) ngày 5/3/2015 của Phòng thử nghiệm CESI và Biên bản thử nghiệm số DCCD-1538 ngày 19/1/2015 thử nghiệm chống cháy của Phòng thử nghiệm CPRI cũng được xác minh là không do các phòng thử nghiệm này phát hành.

Bên cạnh đó, theo EVNCPC, các biên bản thử nghiệm của Phòng thử nghiệm CPRI cho hàng loạt sản phẩm FCO/LBFCO của nhà sản xuất Eswari đang được xác minh về giá trị pháp lý. Ngay sau khi có kết quả, EVNCPC sẽ công bố thông tin.

“EVNCPC thông báo để các đơn vị biết và lưu ý trong quá trình mua sắm các sản phẩm chống sét van của Polipar và FCO/LBFCO của Eswari”, EVNCPC cho biết.

… đến vật tư sản xuất trong nước, nhà sản xuất nội vạ lây

Thực tế, vấn nạn sử dụng tài liệu, hồ sơ giả mạo, có dấu hiệu sửa chữa của các nhà thầu khi dự thầu cung cấp thiết bị điện là vấn đề nhức nhối lâu nay. Thời gian gần đây, nhiều nhà thầu có dấu hiệu giả mạo tài liệu về vật tư được sản xuất trong nước.

Phản ánh đến Báo Đấu thầu, một doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị điện tại TP.HCM cho biết, riêng gói thầu tại Công ty Điện lực Quảng Trị có 7 biên bản thử nghiệm vật tư có dấu hiệu bị làm giả.

Cụ thể, tại Gói thầu 04-2023 Phụ kiện dây bọc trung, hạ áp do Điện lực Quảng Trị mời thầu tháng 1/2023, qua xét thầu và đối chiếu, 7 biên bản thử nghiệm mà nhà thầu cung cấp bộc lộ nhiều nghi vấn. Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (QUATEST 2) khẳng định, 7 biên bản thử nghiệm mà nhà thầu cung cấp không trùng khớp với các bản lưu tại QUATEST 2. Điện lực Quảng Trị đã nhiều lần yêu cầu nhà thầu làm rõ, giải trình, đối chiếu tài liệu nhưng nhà thầu không cung cấp được tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ các hồ sơ, tài liệu của thiết bị.

Việc sử dụng tài liệu, hồ sơ giả mạo khi dự thầu cung cấp thiết bị điện diễn biến phức tạp không chỉ gây khó khăn cho các chủ đầu tư, bên mời thầu, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện gói thầu, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các nhà thầu/nhà sản xuất thiết bị điện.

Tin cùng chuyên mục