Hoạt động kinh doanh vàng miếng của các DN hiện nay có phần hạn chế |
Đó là khuyến nghị của ông ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch CTCP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB).
Tuy được dự báo giảm, nhưng vàng vẫn có nhiều thời điểm bật lên, lý do là gì, thưa ông?
Sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), kỳ vọng của thị trường vào khả năng tăng lãi suất của cơ quan này trong thời gian tới giảm xuống, khiến USD có xu hướng giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Trên thị trường vàng, sau phiên tăng vọt trong ngày 29-30/3 nhờ phát biểu của bà Yellen, giá vàng đã chịu áp lực chốt lời ngắn hạn, quay đầu giảm mạnh, trả lại gần hết những gì đã đạt được trong phiên trước đó. Nhiều khả năng trong năm 2016, giá vàng khó có thể tăng cao và không có “sóng” lớn.
Đợt “sóng” của vàng trong tháng 3/2016 có thể nói là một cơn sóng “lạ”, xuất phát từ những điều kiện địa chính trị trên thế giới thay vì tình hình kinh tế, bởi đồng USD vẫn khá mạnh và Fed chưa dừng tăng lãi suất.
Liệu Fed có tăng lãi suất trong tháng 6 tới hay vào cuối năm như thị trường lo ngại?
Sau gần một thập kỷ giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục, Fed đã tăng lãi suất vào cuối năm 2015, nhưng lại tỏ thái độ thận trọng với lần tăng tiếp theo. Tuyên bố của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed vào tháng 1/2016 cho thấy, Fed khó có thể sớm tăng thêm lãi suất cơ bản của đồng USD.
Các dự báo cho rằng, Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 2 lần trong năm nay, vào tháng 6 và tháng 12. Trước mắt, có thể Fed chưa tăng lãi suất, nhưng đó chỉ còn là vấn đề thời gian nên giá vàng khó tăng.
Thực tế, vàng đã chịu tác động kể từ khi Fed đưa ra thông điệp tăng lãi suất. Giá vàng liên tục đi xuống trong thời gian dài vừa qua, khiến không ít người bất ngờ vì mức giảm mạnh.
Mặc dù đã chịu tác động lớn từ những động thái ban đầu của Fed, song nếu cơ quan này thực sự tăng dần lãi suất trong thời gian tới, nhiều khả năng giá vàng còn bị ảnh hưởng trong ngắn hạn và đà giảm chưa dừng trong trung hạn.
Như vậy, vàng vẫn trong xu thế giảm và nên chờ giá giảm thêm mới mua vào?
Trong 6 tháng đầu năm 2016, giá vàng có thể vẫn xoay quanh mức trên dưới 1.200 USD/ounce và chưa thể tạo sóng trong nửa cuối năm. Khi Fed tăng lãi suất, không chỉ có vàng mà tất cả các loại hàng hóa đều chịu áp lực giảm theo, tuy nhiên vàng sẽ khó giảm sâu so với cột mốc trên vì các nhà đầu tư sẽ không “buông” công cụ bảo toàn vốn an toàn này.
Dù vậy, vàng sẽ vẫn yếu thế hơn so với sức khỏe của đồng USD nên khó có cơ hội bật lên. Nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi bỏ vốn vào thị trường vàng lúc này và cần xem xét, chờ cơ hội giá vàng xuống thấp để mua.
Mặc dù giá thấp hơn trước, nhưng dường như mãi lực vàng trong nước đang yếu dần?
Mãi lực vàng trong nước không còn mạnh như trước đây, nhưng nhu cầu về vàng vật chất và nhất là nữ trang năm sau vẫn tăng khoảng 10-15% so năm trước. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời, hoạt động kinh doanh vàng miếng của các DN có phần hạn chế, người mua cũng không còn mua - bán dễ dàng như trước đây, do mạng lưới kinh doanh vàng miếng bị thu hẹp từ hơn 200.000 cửa hàng trên địa bàn TP. HCM xuống còn hơn 12.000 điểm.
Tuy nhiên, tập quán giữ vàng của người dân châu Á, trong đó có Việt Nam luôn có. Thực tế, ngay cả khi lạm phát hạ xuống, vàng vẫn là tài sản được nhiều người quan tâm.
Con số 70 tấn vàng Việt Nam tiêu thụ trong năm 2014 mà Hội đồng Vàng thế giới đưa ra phần nào cho thấy, mãi lực của người dân luôn có và thậm chí ở mức cao.
Có thể trong bối cảnh hiện nay khi Fed sẽ còn tăng lãi suất trong thời gian tới, đồng bạch xanh có lợi thế tăng khiến vàng gặp bất lợi nên các nhà đầu tư thận trọng hơn.