Ví điện tử là lĩnh vực hoạt động có biên lợi nhuận rất thấp nhưng chi phí hoạt động lại rất lớn. Ảnh: Lê Tiên |
Cầm cự khó khăn
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện có 29 tổ chức phi ngân hàng được cấp phép hoạt động trung gian thanh toán, trong đó, có hơn 20 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Có khoảng 4,2 triệu tài khoản ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng, 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử.
Trong so sánh với quy mô dân số hơn 95 triệu người dân với khoảng 31% có tài khoản ngân hàng (theo ước tính của ngân hàng Standard Chartered), số lượng ví điện tử đang hoạt động kể trên là một con số quá nhỏ bé. Điều này cho thấy “dư địa” phát triển của thị trường này vẫn còn rất lớn, do đó, đang thu hút sự chú ý của rất nhiều các nhà đầu tư công nghệ tài chính (fintech) trong và ngoài nước.
Mặt khác, một điểm lợi của thị trường là chủ trương đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Để thực hiện chủ trương này, NHNN cho biết đã và đang tích cực xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế; xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty fintech…
Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường là ngày 11/6, 2 công ty khởi nghiệp công nghệ (startup) trong lĩnh vực này là Vimo và mPos đã chính thức sáp nhập thành NextPay.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextPay cho biết, trước khi sáp nhập, cả Vimo và mPos đều đã có lãi, có tập khách hàng riêng, nền tảng hoạt động riêng, do đó, việc sáp nhập này nhằm bổ sung những lợi thế sẵn có, từ đó, gia tăng sức cạnh tranh trong cuộc đua nhiều cam go đang diễn ra.
“Thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Ví điện tử là lĩnh vực hoạt động có lợi nhuận biên rất thấp, chưa đến 1%. Trong khi đó, chi phí hoạt động rất lớn và người dùng vẫn còn hạn chế. Theo tôi được biết, rất nhiều ví điện tử vẫn đang trong giai đoạn “đốt tiền” và chưa có lãi. Do đó, việc cầm cự trên thị trường trong thời gian tới là rất khó khăn và có thể một số công ty buộc phải dừng cuộc chơi”, ông Bình nói.
Lựa chọn để tránh tổn thất
Một chuyên gia trong lĩnh vực fintech cho biết, một số công ty cung ứng dịch vụ ví điện tử đã hoạt động khá lâu nhưng không hẳn đã có lãi. Trong khi đó, một số công ty khác mới ở giai đoạn đầu và vẫn trong quá trình tiếp tục đầu tư.
Điểm đáng lưu ý là nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách làm khác với những doanh nghiệp khác để tránh trùng lắp về phân khúc thị trường. Do đó, không hẳn là tất cả các công ty cung ứng ví điện tử cạnh tranh trực diện với nhau. Mặt khác, với thị trường còn tiềm năng như vậy, dư địa hoạt động của họ còn khá nhiều. Các doanh nghiệp có thể chọn lựa phân khúc thị trường phù hợp để tránh va chạm đối đầu và cũng là cách tránh tổn thất nhất.
“Họ đang làm như vậy chứ không phải là cạnh tranh đến mức loại trừ lẫn nhau. Nhiều công ty trong lĩnh vực ví điện tử đã vào giai đoạn xây dựng và hoàn thiện hạ tầng và đã đến một độ chín nhất định, họ đang tiếp tục kêu gọi đầu tư để phát triển. Đây là cuộc chơi của những người kiên nhẫn. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đều có bài toán riêng để tiếp tục chạy bền trong cuộc đua này. Việc xin được giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này là vô cùng gian nan, đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về công nghệ và bảo mật. Do đó, không hẳn muốn bỏ cuộc là bỏ được, không hẳn muốn sáp nhập là sáp nhập ngay”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.